Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Khai mạc Triển lãm chuyên đề “Bác Tôn với công nhân”

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc triển lãm chuyên đề “Bác Tôn với công nhân”

(Thanhuytphcm.vn) - Nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2019) và Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019), sáng 20/8, Bảo tàng Tôn Đức Thắng phối hợp Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề “Bác Tôn với công nhân”. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân.

Triển lãm giới thiệu 126 hình ảnh, tư liệu, hiện vật, trưng bày giới thiệu về sự hình thành, phát triển và quá trình đấu tranh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước của giai cấp công nhân Việt Nam, đặc biệt của công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn và TPHCM ngày nay.

Triển lãm trưng bày gồm 3 phần: Phần 1, các hình ảnh thể hiện hoàn cảnh ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX khi thực dân Pháp tiến hành thực hiện hai cuộc khai thác thuộc địa, dưới tác động của những cuộc khai thác thuộc địa giai cấp công nhận ra đời. Công nhân Việt Nam trong giai đoạn này bị áp bức, bóc lột rất dã man nên đã có nhiều cuộc đấu tranh nổ ra, tuy nhiên chỉ dừng lại ở mức đấu tranh tự phát. Vì vậy, cần phải có một tổ chức, một người lãnh đạo và không ai khác đó chính là Tôn Đức Thắng.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu tham quan triển lãm chuyên đề “Bác Tôn với công nhân” Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đại biểu tham quan triển lãm chuyên đề “Bác Tôn với công nhân”

Phần 2 được thể hiện Bác Tôn với công nhân - Là người sáng lập nên tổ chức công hội bí mật đầu tiên ở Sài Gòn vào năm 1920, đồng chí Tôn Đức Thắng đã lãnh đạo nhiều cuộc bãi công của công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn, tiêu biểu là cuộc đấu tranh của hơn 1.000 công nhân nhà máy Ba Son vào tháng 8 năm 1925 đã được Quốc tế Cộng sản Đảng lần thứ VI đánh giá rằng giai cấp công nhân Việt Nam đã đi từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác. Từ khi thành lập Công hội bí mật đến việc tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cho đến khi bị bắt và đày ra Côn Đảo, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn nêu cao tấm gương của người chiến sĩ cộng sản về ý chí sắt đá, lòng trung kiên đối với Đảng và niềm tin vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Khi đất nước được thống nhất, Bác Tôn luôn nhắc nhở đội ngũ công nhân Việt Nam phải giữ vững vai trò sứ mệnh lịch sử trong sự nghiệp xây dựng đất nước, là đội ngũ tiên phong trên mặt trận kinh tế, thể hiện vai trò lãnh đạo trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Phần 3 với công nhân TPHCM tiếp bước người thợ máy Tôn Đức Thắng. Ngày nay, giai cấp công nhân Việt Nam, đặc biệt là công nhân TPHCM không ngừng vươn lên, nâng cao bản lĩnh chính trị và hăng say học tập, rèn luyện tri thức, khoa học kỹ thuật để xứng đáng với người thầy, người thợ cả Tôn Đức Thắng. Để tỏ lòng biết ơn cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng - người thợ máy Ba Son thuở nào, vị lãnh tụ đầu tiên của giai cấp công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn, các trường mang tên Tôn Đức Thắng đã được thành lập tại TPHCM. Đặc biệt, Giải thưởng Tôn Đức Thắng được ra đời vào năm 2000 do Liên đoàn Lao động TP phối hợp báo Sài Gòn Giải Phóng được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh những kỹ sư, công nhân có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhiều đề tài khoa học thiết thực có giá trị trong thực tiễn. Năm 2004, UBND TP đã nâng giải thưởng Tôn Đức Thắng lên cấp TP.

Những hình ảnh trưng bày tại triển lãm góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Triển lãm diễn ra đến ngày 5/2/2020.

Long Hồ - Ngọc Tuyết

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo