Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Khi ý Đảng đi vào lòng dân sẽ tạo nên sức mạnh vô địch, vượt qua chông gai, thử thách

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Anh hùng, dũng sỹ miền Nam ra thăm miền Bắc (28/2/1969). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

(Thanhuytphcm.vn) - Tháng năm về, tháng năm của mùa hoa sen nở cũng là dịp đồng bào, chiến sĩ, nhân dân ta khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, đồng bào ta ở hải ngoại, một lòng tưởng nhớ đến Bác Hồ bằng tất cả tấm lòng thành kính, niềm tự hào và lòng biết ơn vô hạn trước công lao trời biển của Người đối với dân tộc, non sông Việt Nam, nhân kỷ niệm Ngày sinh của Người – Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng vĩ đại, đầy gian khổ hy sinh, cao thượng và phong phú, trong sáng và đẹp đẽ. Người là vĩ nhân của thế kỷ XX, mặc dù vậy, ở Người có phong cách sống rất thanh bạch, bình dị và gần gũi; gần gũi một cách tự nhiên vốn có của bậc vĩ nhân, hiền triết, không hình thức, màu mè. Suốt đời cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư.

Trong giai đoạn giữ cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, đứng ở đỉnh cao quyền lực nhưng không bao giờ Người hành xử như một người có quyền. Người không tham quyền cố vị, chỉ có một ham muốn tột bậc, đó là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Nhân dân ta gọi Người là Bác Hồ bởi Hồ Chí Minh là lãnh tụ được sinh ra từ nhân dân, sống trong lòng dân và cuối đời lại muốn về với dân “làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.

Còn nhớ câu chuyện của đồng chí Trần Viết Hoàn, người có gần 5 năm làm cận vệ bảo vệ trực tiếp Bác Hồ ở khu nhà sàn thuộc Phủ Chủ tịch, kể về Bác: “Vào dịp sinh nhật Bác 70 tuổi, để thiết thực đáp đền công lao của Bác, ngành văn hóa đến xin phép dựng nhà lưu niệm Bác ở hai nơi, Nghệ An và Pác Pó (Cao Bằng), nhưng Bác nói: “Các chú thương Bác thì nên lo cái ăn, cái ở, cái mặc của bà con ở đây. Dựng nhà lưu niệm làm gì nếu bà con ăn chưa no, mặc chưa ấm, ở chưa sạch. Phải tổ chức nhà giữ trẻ cho tốt, phải xây dựng bệnh xá, trường học cho tốt; phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, đó là cách lưu niệm tốt nhất". Ngoài ra, đồng chí Hoàn chia sẻ thêm, trong 15 năm sống tại Phủ Chủ tịch, hầu như năm nào cũng vậy, vào dịp sinh nhật, Bác thường “lánh nhà” để tránh nghi lễ phiền phức, tốn kém, tốn thì giờ, tiền của”.

Bác Hồ là thế, luôn lo cho dân, cho nước, bỏ qua lợi ích của bản thân, luôn đặt mình trong lòng nhân dân để thấu cảm với nỗi khổ của người dân, trăn trở với vận mệnh nước nhà, đau đáu trong tim khát vọng giành tự do, độc lập, hạnh phúc cho đồng bào, Tổ quốc. Người nâng niu tất cả, chỉ quên mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh – càng giản dị, càng vĩ đại. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và cùng ăn cơm trên tàu với cán bộ, chiến sỹ bộ đội hải quân bảo vệ bờ biển Quảng Ninh (1965). (Nguồn: TTXVN) Chủ tịch Hồ Chí Minh – càng giản dị, càng vĩ đại. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và cùng ăn cơm trên tàu với cán bộ, chiến sỹ bộ đội hải quân bảo vệ bờ biển Quảng Ninh (1965). (Nguồn: TTXVN)

Mặc dù Bác đã đi xa, nhưng di sản của Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp đấu tranh và kiến thiết nước nhà, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng, và dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Có lẽ, trong những ngày tháng năm này chúng ta nhớ Bác nhiều hơn, bởi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cùng chung tay, đồng lòng thực hiện thành công lệnh giãn cách xã hội, nhằm phòng, chống đại dịch Covid-19 lây lan, cho đến nay, kết quả bước đầu ta đã cơ bản ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, thành quả này có thể được nhìn thấy từ trước, bởi như Người đã dạy, khi ý Đảng đi vào lòng dân sẽ tạo nên sức mạnh vô địch, vượt qua chông gai, thử thách, nhất định sẽ chiến thắng mọi kẻ thù.

Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị đã tích cực hăng hái thi đua lập thành tích, báo công lên Người; việc học tập và làm theo Bác đã trở thành việc làm thường xuyên, tự giác ở mỗi tổ chức, đơn vị, cá nhân. Trong thời gian qua, có nhiều gương điển hình xuất sắc về học tập và làm theo Bác, qua đó giới thiệu nhiều mô hình hay, cách làm mới thiết thực, góp phần cải thiện năng suất lao động, mang lại giá trị kinh tế cao, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, ổn định hoạt động xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân.

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bản hùng ca cách mạng, vô cùng vĩ đại, trong sáng và đẹp đẽ, nhưng rất đỗi bình dị, gần gũi. (Trong ảnh: Đoàn hành trình về nguồn Sáng mãi niềm tin 2019 do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức, nghe thuyết minh về cuộc sống thời niên thiếu của Bác tại quê hương Làng Sen, Nghệ An. Ảnh: Quốc Việt) Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bản hùng ca cách mạng, vô cùng vĩ đại, trong sáng và đẹp đẽ, nhưng rất đỗi bình dị, gần gũi. (Trong ảnh: Đoàn hành trình về nguồn Sáng mãi niềm tin 2019 do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức, nghe thuyết minh về cuộc sống thời niên thiếu của Bác tại quê hương Làng Sen, Nghệ An. Ảnh: Quốc Việt)

Mặc dù thế, ở một số nơi, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn còn mang nặng tính hình thức, thời vụ, chưa trở thành hoạt động thường xuyên, tự giác, tự nguyện. Nguyên nhân có thể là trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, bên cạnh những mặt tích cực cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề nhức nhối, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết, tránh xa mọi cám dỗ, tiền tài, danh vọng, đề cao lợi ích cá nhân gây tổn hại đến lợi ích tập thể, làm giảm uy tín của Đảng, làm lung lay đến đoàn kết nội bộ, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Do đó, ở mỗi cán bộ đảng viên cần thường xuyên, không ngừng tu dưỡng, học tập và rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị

Màu quê hương bền bỉ đậm đà

Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta

Ta bỗng lớn ở bên Người một chút...”

Nhớ về Bác để lòng ta trong sáng hơn, và để… “lớn hơn” mình một chút.

Phan An

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo