Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung tham quan Trại cá kiểng Châu Tống

(Thanhuytphcm.vn) - Nhiều hộ nông dân tại Quận 12 đã ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, nhiều tổ hợp tác đã sản xuất nông nghiệp theo mô hình mới để cung cấp sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao cho thị trường... Đó là những kết quả được ghi nhận trong chuyến thăm các mô hình nông nghiệp tại Quận 12 của đoàn cán bộ TPHCM do đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM làm trưởng đoàn, diễn ra ngày 5/6.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Trại cá kiểng Châu Tống của ông Tống Hữu Châu ở Khu phố 6, phường Thạnh Xuân, Quận 12, được chia thành nhiều khu với các loại cá kiểng rực rỡ sắc màu. Ông Tống Hữu Châu được nhiều người biết đến là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương với mô hình nuôi cá kiểng từ năm 1991. Diện tích đầu tư hiện nay của gia đình ông khoảng 3.500 m2. Ngoài xuất khẩu ra các nước như: Hoa Kỳ, Canada, Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan những năm gần đây Trại cá kiểng Châu Tống đã chú trọng mở rộng tiêu thụ thị trường trong nước. Doanh thu mỗi năm của trại cá kiểng này khoảng trên 2,5 tỷ đồng.

Ông Tống Hữu Châu chia sẻ, để có chỗ đứng trên thị trường, Trại cá kiểng Châu Tống đã chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh. Cách đây vài năm, ông đã làm mô hình điểm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP khi làm bể thực hành quản lý tốt nhằm thuần dưỡng cá cho ổn định. “Ở những nơi khác khi lấy cá về sẽ giao cho khách ngay nên tỷ lệ cá chết rất cao. Với cách thuần dưỡng cá trong bể thực hành quản lý tốt sẽ giúp cá ổn định sức khỏe trước khi giao sẽ giảm rủi ro cho khách hàng” - ông Châu chia sẻ.

Ông Tống Hữu Châu cho biết thêm, trại cá kiểng của ông cũng đã ứng dụng khoa học kỹ thuật khi đóng hàng theo hướng tăng sản lượng cá trong một bao đóng hàng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cá sống khỏe, không bị chết do thiếu dưỡng khí. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật này đã giúp giảm chi phí sản phẩm cho một lần vận chuyển.

Đến Khu phố 2, phường An Phú Đông, các thành viên trong đoàn thật sự bất ngờ khi được thăm mô hình Cấy tạo giống hoa lan của Nông dân tiêu biểu Bùi Văn Phụng. Khu vực phòng cấy tạo giống hoa lan bằng phương pháp cấy mô được đầu tư rất hiện đại. Với niềm đam mê hoa lan, ông Bùi Văn Phụng đã học theo các lớp cấy tạo giống hoa lan. Từ năm 2016, ông chuyển sang mô hình cấy mô. Ban đầu, ông đầu tư khoảng 100m2, đến nay đã mở rộng khoảng 400m2 với kinh phí đầu tư 1 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ cây giống hoa lan trong nước rất ổn định và mỗi năm cơ sở ông đạt doanh thu khoảng 2 tỷ đồng. Riêng với những cây giống lan đột biến gen có giá trị rất lớn.

Hỗ trợ, kết nối, tạo đầu ra ổn định cho nông sản

Không chỉ sản xuất, tiêu thụ nguồn cá kiểng của trang trại mình, nhiều năm qua, ông Tống Hữu Châu cũng đã chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá kiểng và hỗ trợ nông dân ở địa phương về đầu ra sản phẩm. Ông Châu kể: “Tôi dạy nghề 10 năm cho nông dân toàn TP. Cùng với đó là dạy nông dân các tỉnh. Trong quá trình đi dạy nghề, tôi đã nhận được nhiều câu hỏi của người nông dân là bán cá ở đâu? Từ trăn trở của người nông dân, tôi đã tìm cách để tiêu thụ sản phẩm cho các hộ khác để thúc đẩy phong trào nuôi cá kiểng”. Đến nay, nguồn cung cho Trại cá kiểng Châu Tống bán ra thị trường không chỉ có nông dân ở TPHCM mà còn đến từ các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Nai,… Hiện nay, mỗi năm Trại cá kiểng Châu Tống sản xuất kinh doanh trên 2 triệu con cá các loại.

Ông Bùi Văn Phụng giới thiệu với Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung về kỹ thuật cấy giống hoa lan bằng phương pháp cấy mô Ông Bùi Văn Phụng giới thiệu với Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung về kỹ thuật cấy giống hoa lan bằng phương pháp cấy mô

Tại Khu phố 4, phường An Phú Đông, mô hình trồng rau thủy canh của Tổ hợp tác rau sạch An Nông fram được đầu tư bài bản từ nhà màng, hệ thống phun sương… Tổ hợp tác này được thành lập từ năm 2018 với 5 thành viên. Diện tích ban đầu khoảng 1.000m2, hiện đang mở rộng thêm 1.000m2 nữa, chi phí đầu tư ban đầu khoảng 1,8 tỷ đồng. Với sản lượng khoảng 10 loại rau các loại, Tổ hợp tác rau sạch An Nông fram đã cung cấp cho thị trường khoảng 3 tấn rau mỗi tháng. Đại diện An Nông fram, ông Phan Thế Nghiêm cho biết: “TP có nhiều lợi thế về thị trường tiêu thụ rau thủy canh. Với lượng rau mỗi ngày 80kg của Tổ hợp tác rau sạch An Nông fram sẽ không đủ cung cấp cho thị trường. Hướng đi của cơ sở là khi có đầu ra ổn định sẽ liên kết với các hộ trồng rau thủy canh khác để cùng phát triển. Có thể là cung cấp dịch vụ, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân hoặc lo đầu ra sản phẩm khi người nông dân trồng rau thủy canh theo mô hình khép kín như của Tổ hợp tác rau sạch An Nông fram”. 

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung tham quan mô hình trồng rau thủy canh của Tổ hợp tác rau sạch An Nông fram Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung tham quan mô hình trồng rau thủy canh của Tổ hợp tác rau sạch An Nông fram

Sau khi thăm các mô hình sản xuất nông nghiệp, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung đánh giá cao các mô hình sản xuất nông nghiệp mới của Tổ hợp tác rau sạch An Nông fram cũng như việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tại Trại cá kiểng Châu Tống và cơ sở cấy tạo hoa lan của nông dân Bùi Văn Phụng. Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi các hộ nông dân đã chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cho nông dân khác trong sản xuất, kinh doanh là điều đáng trân trọng.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung cho biết, TP có định hướng và khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các mô hình sản xuất mới phát triển. Vì vậy, Phó Bí thư Thành ủy TP Võ Thị Dung đề nghị, Hội Nông dân các cấp của TP phát huy mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; đúc kết kinh nghiệm từ mô hình tốt để nhân rộng. Cùng với đó là tập hợp kiến nghị để hỗ trợ, kết nối nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản; nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

S. Hải

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo