Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức

Quang cảnh Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 với các địa phương. (Ảnh: VGP)

(Thanhuytphcm.vn) - Đó là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong nội dung kết luận tại phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ 6 tháng đầu năm với 63 tỉnh, TP diễn ra ngày 4/7.

Kiến nghị giải quyết các vướng mắc

Tại hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đánh giá cao kết quả tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, trong những tháng cuối năm, do ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới và khu vực, cũng như những khó khăn, tồn tại của tình hình trong nước, Chính phủ cần có những giải pháp chỉ đạo quyết liệt, kịp thời mới đạt chỉ tiêu kế hoạch năm.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, những tháng cuối năm, trong bối cảnh chung của chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, sẽ tác động rất mạnh đến một số đối tác và thị trường của nước ta. Vì vậy, Chính phủ cần tập trung quyết liệt các giải pháp để khơi thông thị trường. Cụ thể, đối với thị trường Trung Quốc cần mở rộng các mặt hàng ngoài các mặt hàng đã được Trung Quốc cho phép xuất khẩu chính thức; đẩy nhanh tiến trình phối hợp với Trung Quốc để cấp phép cho các doanh nghiệp (DN) nước ta trong xuất khẩu các lĩnh vực ngành hàng; tiếp tục đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại để khôi phục và phát triển thị phần vào thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, với các thị trường mà nước ta đang phát triển tương đối tích cực thì phải tập trung khai thác hết sức quyết liệt như các thị trường Nga, Nhật Bản, Canada,… để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, nhất là các ngành hàng lớn như dệt may, da giày để đảm bảo tốc độ tăng trưởng của những ngành này.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng lưu ý vấn đề quan tâm nhất hiện nay là câu chuyện chuyển tải hàng hóa và nguy cơ bị áp thuế thương mại của các đối tác. Do đó, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ sớm thông qua Đề án về phòng vệ thương mại và chống chuyển tải hàng hóa để các Bộ, ngành siết chặt quản lý; đồng thời hướng tới những nền tảng tạo ra phát triển bền vững trong thương mại song phương với Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Công thương và các Bộ, ngành đánh giá thực chất các hoạt động đầu tư đảm bảo sự phù hợp trong các lĩnh vực đầu tư đáp ứng cách thức phát triển bền vững của các ngành hàng, tránh hiện tượng lợi dụng Việt Nam để thực hiện các hoạt động đầu tư khai thác trong những lĩnh vực đầu tư liên quan đến chuyển tải hàng hóa và hình thức núp bóng xuất xứ Việt Nam. 

Còn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Hiện nay, ngành nông nghiệp có 5 điểm nghẽn nếu không tháo gỡ thì không những ảnh hưởng đến tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm mà còn cho cả năm 2020. Đó là dịch tả heo châu Phi; đẩy mạnh thương mại, khai thác tốt các thị trường và khắc phục tốt các thị trường; ứng phó biến đổi khí hậu và đặc biệt là công tác phòng chống cháy rừng…

Cũng tại hội nghị, các địa phương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà các địa phương gặp phải nhằm giúp các địa phương hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế những tháng cuối năm.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: VGP) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh: VGP)

Tập trung phát triển thị trường trong nước

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Quan điểm chỉ đạo điều hành nhất quán về kinh tế của Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, kiên định với mục tiêu nhiệm vụ đề ra, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và nhân dân cả nước, phát huy hơn nữa tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, chủ động, linh hoạt thích ứng với tình hình, quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2019, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Nhiệm vụ đặt ra 6 tháng cuối năm là rất nặng nề. Theo đó, cần theo dõi, bám sát, cập nhật và đánh giá đầy đủ tác động của chiến tranh thương mại, công nghệ để đưa ra các giải pháp, kịch bản kịp thời hơn, phù hợp, tận dụng các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết và tập trung phát triển thị trường trong nước, kiểm tra, đánh giá ngăn chặn tình trạng đội lốt nhãn mác hàng hóa xuất xứ Việt Nam. Đồng thời, các cơ quan chức năng theo dõi đánh giá, dự báo tác động thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế, có giải pháp kịp thời đảm bảo ổn định lãi suất và tỷ giá thị trường ngoại hối; tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, tạo bước đệm chống chọi với cú sốc bên ngoài. 

Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng 6,6% - 6,8% so với năm 2018. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương tập trung ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi, chú trọng giải pháp đất đai, vốn, công nghệ cao, chuỗi giá trị thúc đẩy xuất khẩu lâm - thủy sản, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 3% trong nông nghiệp. Đồng thời, đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, bám sát hoạt động của các DN, các dự án lớn, các địa phương phát huy các hội nghị xúc tiến kêu gọi vốn trong nước và nước ngoài; tiếp tục tìm cách thu hút các nhà đầu tư, nhất là các DN công nghệ cao.

Mặt khác, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; có giải pháp toàn diện hơn để phát triển du lịch phấn đấu đạt chỉ tiêu đề ra; đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu kinh tế, trong đó đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn DN Nhà nước. Bên cạnh đó, cải thiện mạnh mẽ, thực chất hơn môi trường kinh doanh, nhất là sửa đổi các cơ chế, chính sách đang gây vướng mắc; các Bộ, ngành khẩn trương rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp quyết liệt nhằm giảm thiểu các vấn nạn bạo lực học đường, gian lận thi cử, tệ nạn ma túy, tín dụng đen, tai nạn giao thông.

Đình Lý


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo