Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội dự kiến áp dụng một bước hình thức “trả lời chất vấn ngay”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp sáng 17/4. (Ảnh: Quochoi.vn)

* Dùng một luật sửa 13 luật liên quan đến Luật Quy hoạch

(Thanhuytphcm.vn) - Tại phiên họp sáng 17/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến về vấn đề này.

Theo Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, tiếp thu ý kiến của các cơ quan hữu quan, dự kiến sẽ rút 4 dự án Luật ra khỏi chương trình để tiếp tục hoàn thiện, gồm Luật Hành chính công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật Dân số. Rút các báo cáo công tác của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đồng thời bổ sung một số báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu, gồm Báo cáo của Chính phủ về kết quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm năm 2017; kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng, Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017.

Ngoài ra, đối với các dự án luật khác trình tại phiên họp này (như Luật Quản lý phát triển đô thị…), sau khi các cơ quan hữu quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện, nếu vẫn không đủ điều kiện về hồ sơ tài liệu, chất lượng dự án để trình Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, rút khỏi dự kiến chương trình.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 19 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21/5/2018 và dự kiến bế mạc vào 14/6/2018. Nếu Quốc hội chấp nhận chương trình dự kiến này thì đây sẽ là kỳ họp Quốc hội có thời gian ngắn nhất trong nhiều nhiệm kỳ Quốc hội gần đây.

Góp ý về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều thể hiện quan điểm kiên quyết đưa ra khỏi chương trình những dự án luật chưa đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, có thể gom thêm một số dự án luật chỉ sửa đổi, bổ sung không nhiều để đảm bảo triển khai Luật Quy hoạch vào một luật. Như vậy, Quốc hội có thể sẽ xem xét, thông qua dự án một luật sửa 13 luật liên quan đến Luật Quy hoạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị căn cứ nội dung để phân bổ thời gian thảo luận hợp lý cho các dự án luật, trong đó dành thêm thời gian cho dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) và dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Trong công tác giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị Chính phủ có báo cáo về việc xử lý 12 dự án thua lỗ trong ngành Công Thương. Đặc biệt, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị tập hợp báo cáo về những vấn đề bức xúc đã được Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban giám sát, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội cho ý kiến, ban hành Nghị quyết để tăng cường tính hiệu quả, hiệu lực của công tác giám sát. “Từ trước đến nay Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban đi giám sát mất rất nhiều thời gian công sức, nhưng hiệu lực thực hiện các kiến nghị sau giám sát chưa cao. Nếu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội ra nghị quyết thì công tác này sẽ có hiệu quả tốt hơn nhiều” – ông Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý với ông Hà Ngọc Chiến, song cho rằng nội dung này nên bắt đầu thực hiện từ kỳ họp sau để việc chuẩn bị được kỹ càng hơn.

Liên quan đến đề nghị của Tổng Thư ký Quốc hội về áp dụng thí điểm cách thức tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn ngay (như đã thí điểm tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua) trong kỳ họp thứ 5, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga và Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng nên có cải tiến, nhưng từng bước. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói: “Nếu hỏi xong trả lời ngay thì thực hiện ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì được, chứ làm ở Quốc hội e là quá áp lực cho người trả lời chất vấn”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành đổi mới, nhưng tiến hành bước đầu. “Cụ thể là khống chế thời gian hỏi và trả lời, mỗi đại biểu cũng chỉ nêu câu hỏi trong 1 phút, song sẽ để 3 đại biểu nêu câu hỏi, sau đó Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời. Việc này có thể giảm bớt áp lực cho Bộ trưởng khi đứng trước gần 500 đại biểu Quốc hội và cũng để Bộ trưởng có thời gian suy nghĩ, sắp xếp trả lời hợp lý hơn”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định.

* Cuối phiên họp sáng 17/4 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, bên cạnh các nội dung giám sát thường xuyên theo thông lệ, các cơ quan đã đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề với 190 nội dung và 35 nhóm vấn đề trọng tâm.

Căn cứ các tiêu chí lựa chọn, ý kiến tham gia lựa chọn của đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội, các Ban của UBTVQH và tình hình thực tế, Tổng Thư ký Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn 4 trong 6 nội dung cụ thể để trình Quốc hội xem xét, lựa chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2019.

Chuyên đề thứ nhất được đề nghị là việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2009-2018. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi và khu vực biên giới giai đoạn 2009 - 2018 là đề xuất thứ 2. Thứ 3 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và công tác quản lý quy hoạch, xây dựng công trình đô thị giai đoạn 2009 - 2018.

Ba đề xuất còn lại bao gồm việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống cháy, nổ giai đoạn 2009 - 2018; việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2009 - 2018; việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nước giai đoạn 2009 - 2018.

Tại cuộc họp, các thành viên UBTVQH đã đề nghị thêm một số chuyên đề khác, như: về lao động việc làm; về việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA)… Đề xuất thứ 3 (việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và công tác quản lý quy hoạch, xây dựng công trình đô thị giai đoạn 2009 - 2018) được nhiều ý kiến đề nghị khoanh lại trong phạm vi quản lý đất đai đô thị.

Đáng lưu ý, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị bổ sung giám sát chuyên đề trong lĩnh vực tư pháp, cụ thể là công tác thi hành án.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý với đề nghị của ông Phùng Quốc Hiển. Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành đề xuất giám sát về phòng chống cháy nổ, song cho rằng nên làm ở cấp uỷ ban hoặc UBTVQH...

Do các lựa chọn còn rất khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Văn phòng Quốc hội chỉnh sửa nội dung các chuyên đề cho chặt chẽ, bổ sung một số chuyên đề mới và đề xuất bằng văn bản để xin ý kiến UBTVQH bằng văn bản, trước khi trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp tới.

Ngọc Khánh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo