Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Làm báo “0 đồng”

(Thanhuytphcm.vn) - Gần hai năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, mọi người ở nhà nhiều, ngoài thông tin chính thống ra, ai cũng “săn tin” trên mạng xã hội. Đọc báo trong ngoài nước, các trang web cá nhân nổi tiếng - những nhà khoa học, thầy thuốc bỗng tình cờ được đẩy vào một vai trò lớn giữa công chúng. Và tất nhiên không thể thiếu đọc Facebook - loại “báo” gần gũi và tự do nhất.

Trong các đợt giãn cách liên tiếp của TP, chưa bao giờ tôi thấy Nhà nước và Nhân dân tự tiến hành cuộc cứu trợ tiếp tế lớn không thua gì “tinh thần dân công Điện Biên Phủ” năm xưa.

Thuộc “giai cấp bệnh nền”, tôi ra lệnh cho chính mình “phấn đấu không…đi cấp cứu” trong thời gian này. Y tế đã gồng mình khó khăn lắm rồi. Tôi bắt đầu chú ý những giá trị của người đọc một cách trực tiếp không qua một tổ chức điều tra công phu nào: Đưa bài hay ho có khi chỉ có vài chục view, trong khi vui đùa tả mình tập thể dục sau khi tòa nhà bị phong tỏa thì mấy trăm người vào trong buổi sáng. Tôi biết mình phải học ngôn ngữ trực tuyến. Và  biết trend troll hài khi cần tỏ những quan điểm khó nói. “Báo 0 đồng” của tôi trên Facebook không public mà chủ yếu chỉ có bạn bè là nhà văn, nhà báo và các em sinh viên.

Ở TPHCM, tôi thấy nhiều đồng nghiệp nhà báo - cả về hưu lẫn đang làm việc, họ đều đưa tin rất bổ ích - biến Facebook thành một loại “báo 0 đồng” phục vụ rất độc đáo.

Chị Nguyễn Thế Thanh, nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ nữ TPHCM viết Facebook suy nghĩ về môi trường và giữ gìn di sản sau khi đi tham quan công trình lấn biển Quảng Ninh. Chị đưa các phân tích quan trọng về Covid-19 qua lời GS Trần Văn Thọ viết từ Tokyo. Chị kể câu chuyện về “người hùng ATM gạo” ở TPHCM nay thêm “ATM oxy” khi làn sóng thứ 4 tấn công và tình hình trở nên cam go trong điều trị cứu bệnh nhân.

Chị cũng nhớ người cha anh hùng Nguyễn Thế Truyện đã mất và tự hỏi: Nếu cha còn, sẽ nói gì hôm nay? Cha sẽ bảo phải kiên quyết chiến đấu thắng nó bằng sự thông minh dũng cảm.

Cô bạn Hồ Hồng - Phụ trách Báo Thể thao TPHCM - đã đi định cư bên Mỹ, về nước thăm nhà - trên Facebook chị lao vào các chuyến cứu trợ dày đặc, đưa các tấm hình “lén chụp” kỷ niệm đường phố ở TPHCM chưa bao giờ như thế.

Nhà báo Hoàng Tư Giang của Báo điện tử VietNamNet thì bảo vệ quan điểm khá mạnh mẽ về các biện pháp chống dịch, ý kiến anh ban đầu dễ dị ứng nhưng sau thấy giống như các chính sách được sửa đổi, rất hợp lý.

Nguyên Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Vũ Kim Hạnh thì vừa cùng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam lao vào cứu trợ - chị vừa kể chuyện các sản phẩm độc đáo quý giá của doanh nghiệp thuộc hàng ngày thường cao cấp mà nay “phá kho” đem ra hết, cho đi không khác gì rau củ. Một ngày nọ con trai chị lấy đi cái máy thở của cha đã mất (nhà báo Nguyễn Kiến Phước - Báo Nhân dân) - để đem cho bệnh nhân đang cấp cứu cần.

Chị review tin thế giới kỹ hơn tôi. Còn khen tôi “review hài hước  mà đầy thông tin khó ai bắt chước” - làm tôi vui sướng lắm.

Sáng sớm nào tôi cũng tìm đọc ngay trang của anh Dương Trọng Dật - nguyên Tổng Biên tập Báo SGGP - mỗi ngày là thêm một bài thơ thế sự mới thật hay, thật sâu sắc đáng suy nghĩ và nâng đỡ sức mạnh phấn đấu vượt lên trên những gian nan thử thách chưa bao giờ có.

Vậy đó, chúng tôi biến Facebook thành những tờ báo 0 đồng - đưa tin thêm, phát huy sức mạnh với ý thức làm nghề nghiêm túc.

Làm “báo 0 đồng” cũng phải theo sự trung thực và chuẩn mực nghề báo, càng tự do càng phải có đạo đức nghề nghiệp. Nếu vi phạm cũng sẽ “được mời lên Phường uống trà” như ai. Tôi yêu “nghề rang lạc” của mình vì biết “bạn đọc” cũng đang chờ. Tôi học hỏi thêm các kỹ năng để có thể đem lại hữu ích và tình yêu cuộc sống, yêu bạn bè. Làm “báo 0 đồng” còn sung sướng là không có Ban biên tập cắt đi mất những “ngôn ngữ trực tuyến” có khoảng chấp nhận rộng - vui tươi hài hước đem lại cho “bạn đọc” những nụ cười tự do sảng khoái. Và nhớ lâu…

Nguyễn Thị Ngọc Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo