Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Lựa chọn, sàng lọc người giới thiệu ứng cử rất chú ý đến uy tín của họ

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực (đứng) phát biểu tại hội nghị giám sát bầu cử

(Thanhuytphcm.vn) - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tổ chức tập huấn công tác kiểm tra, giám sát bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực trao đổi về một số nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị bầu cử.

* Phóng viên: MTTQ sẽ thể hiện vai trò giám sát thế nào trong lần bầu cử này?

Đồng chí Ngô Sách Thực: Mặt trận đã đề ra 8 nội dung giám sát trọng tâm, còn phương pháp, cách làm phải có nhiều hình thức. Mỗi thành viên của Mặt trận đều có quyền tham gia góp ý vào những nội dung công tác chuẩn bị. Mặt khác, qua phát hiện của người dân thì MTTQ tập hợp, phản ánh kịp thời với cơ quan có trách nhiệm. Ví dụ qua Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, vẫn còn một số bất cập về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV thì chúng tôi kiến nghị đến cấp có thẩm quyền để có sự điều chỉnh kịp thời cho phù hợp. Trách nhiệm của từng cấp Mặt trận là phải tổ chức các cuộc giám sát để qua các cuộc giám sát có ý kiến, kiến nghị ngay. Bởi đặc thù của bầu cử là không thể để kỳ sau được mà trong từng giai đoạn, từng bước, những vấn đề bất cập phải được điều chỉnh ngay. MTTQ sẽ tổ chức giám sát quá trình bầu cử để việc tổ chức bầu cử được đúng luật, công bằng, nhân dân tin tưởng tham gia, tạo không khí tích cực, khắc phục hạn chế, sai sót.

* Những điểm mới của bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND khóa này là gì, thưa đồng chí?

Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND khóa này có nhiều điểm mới. Do đòi hỏi nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, trong đó có hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, chất lượng và tính chuyên nghiệp của đại biểu phải được nâng lên. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội quy định tăng đại biểu chuyên trách và giảm đại biểu các khối khác, đặc biệt là khối hành pháp.

Theo quy định, khóa XV có tổng số 500 đại biểu, trong đó đại biểu chuyên trách tăng từ 35% lên ít nhất 40% (tương ứng tăng khoảng 19 đại biểu chuyên trách), nâng cao tính chuyên nghiệp của ĐBQH. Lần này việc hướng dẫn số dư người ứng cử tại mỗi đơn vị bầu cử được quy định rõ hơn, đảm bảo các vòng hiệp thương có sự lựa chọn, khắc phục tình trạng hiệp thương không có số dư, hiệp thương "tròn" ở các địa phương. Mỗi đơn vị bầu cử phải có số dư ít nhất là 2.

Bên cạnh đó, trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc không đạt trên 50% tổng số cử tri tham dự tại hội nghị, thì không được giới thiệu. Ứng viên không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi cư trú thì không đưa vào danh sách ứng cử trình Hội nghị hiệp thương lần thứ ba; trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để Hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định.

Một trong những điểm mới nữa của lần bầu cử này là các ứng cử viên của HĐND được quyền tiếp xúc cử tri 5 cuộc, ứng viên ĐBQH ít nhất 10 cuộc. Do những lần trước không quy định số lần tối thiểu nên số lần tiếp xúc cử tri giữa các ứng viên khác nhau, người nhiều người ít. Việc quy định rõ số lần tiếp xúc tối thiểu giúp cử tri có cơ hội tiếp xúc với ứng viên nhiều hơn, qua đó hiểu rõ hơn để cân nhắc lựa chọn khi đi bầu. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, ứng viên trình bày công khai chương trình hành động toàn khóa, lời hứa với cử tri. Đây là cơ hội bình đẳng cho các ứng viên được thể hiện mình.

Để tạo sự công bằng cho các ứng viên trong quá trình tiếp xúc thì mỗi đại biểu cần phải có chương trình của mình. Mỗi đại biểu cần có nhiều hình thức tiếp xúc khác nhau nhưng phải công bằng thông tin trên báo chí và nằm trong chương trình, kế hoạch đặt ra. Có chương trình của đại biểu thì Ủy ban MTTQ các cấp sẽ phối hợp với Thường trực HĐND và Ủy ban bầu cử các cấp sẽ “thiết kế” để các đại biểu có nhiều cuộc tiếp xúc với người dân nhất.

* Đồng chí nhận định gì về quy định mới là ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp phải được sự đồng ý vượt quá bán 50% của cử tri nơi cư trú?

ĐBQH và đại biểu HĐND đã có tiêu chuẩn rất rõ ràng. Yêu cầu đặt ra là phải chọn những người, những đại biểu đủ tiêu chuẩn đó. Thực tiễn cho thấy, quy trình lựa chọn đại biểu thì phải bảo đảm có uy tín và tín nhiệm cử tri, đó là thước đo rất quan trọng trong tiêu chuẩn của ĐBQH cũng như đại biểu HĐND các cấp. Chính vì thế, Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chính phủ lần này trong quy trình lựa chọn, sàng lọc người giới thiệu ứng cử rất chú ý đến uy tín của họ. Nếu ở địa bàn không có tín nhiệm, nơi công tác cũng thế thì ngay bước sàng lọc đầu tiên cũng sẽ không đưa vào. Đó cũng là điểm mới của đợt bầu cử này so với những lần trước.

* Đến nay, theo kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, tổng số người được Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất phân bổ giới thiệu ứng cử ĐBQH ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cả trung ương và địa phương) là 1.076 người. Việc lựa chọn ứng viên được thực hiện tiếp các bước như thế nào?

Hội nghị hiệp thương lần thứ hai (dự kiến 19/3) sẽ lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Sau đó tổ chức lấy ý kiến cử tri ở nơi cư trú, nơi công tác đối với người ứng cử. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba (dự kiến 18/4) sẽ lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Ngày 23/4, Mặt trận gửi danh sách ứng cử tới Hội đồng bầu cử quốc gia để 28/4 Hội đồng công bố danh sách chính thức. Quá trình lựa chọn ứng viên được thực hiện theo quy định rất dân chủ, công khai, chặt chẽ.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo