Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Mặt trận phải được phản biện các dự án luật quan trọng

Hội nghị phản biện ngày 19/2

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 19/2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia.

Báo cáo kiến nghị nghiên cứu, xem xét và kiến nghị, sửa đổi một số quy định tại Luật ban hành VBQPPL năm 2015 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, thực tiễn thực hiện các quy định của Luật ban hành VBQPPL có những nội dung quy định liên quan đến sự phân công, phối hợp trong hoạt động lập pháp; quy định về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác góp ý, phản biện xã hội và xây dựng các VBQPPL còn chưa thật đầy đủ, còn chung chung, chưa đủ cụ thể để thực hiện, quy định chưa thống nhất với các quy định của các luật có liên quan hoặc thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện.

Cụ thể, về các quy định của Luật về phân công, phối hợp trong hoạt động lập pháp, các dự án luật sau lần trình thứ nhất (đối với dự án Luật thông qua tại một kỳ họp) và lần trình thứ hai (đối với dự án luật thông qua tại hai kỳ họp) thì dự án luật chuyển sang "sân" Quốc hội và việc chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung dự án luật hoàn toàn thuộc trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội. Sự phân công, phối hợp như vậy là chưa hợp lý bởi Hiến pháp năm 2013 đã xác định một cách minh bạch Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, lập pháp; Chính phủ thực hiện quyền hành pháp và Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp. Theo đó, quyền lập pháp là quyền thay mặt toàn dân xem xét để bấm nút thông qua dự án Luật mà không phải là quyền làm ra các dự thảo luật; sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý các dự thảo Luật. Như vậy, sau khi trình dự án Luật ra các kỳ họp của Quốc hội, việc các cơ quan của Quốc hội chủ trì việc sửa đổi, bổ sung nội dung của dự án Luật là sự phối hợp không hợp lý, dẫn đến trách nhiệm trong hoạt động lập pháp không rõ ràng, làm cho chính cơ quan soạn thảo, trình dự án Luật không phát huy đầy đủ thế mạnh của cơ quan trực tiếp quản lý mọi mặt của đời sống xã hội. Đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến việc chất lượng của một số dự án luật được Quốc hội thông qua không bảo đảm như Bộ luật Hình sự năm 2015, Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014  phải hoãn thi hành...

Báo cáo cũng cho rằng, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 cũng không có một quy định nào về quy trình phản biện xã hội đối với các dự thảo VBQPPL của MTTQ Việt Nam. Việc này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện quy định của Hiến pháp về quyền và trách nhiệm phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Với các quy định hiện hành của luật, các cơ quan soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có thể bỏ qua việc lấy ý kiến của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận trên thực tế những năm qua.

Do đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị cần phải sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL theo hướng cơ quan soạn thảo phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự án Luật trình Quốc hội.     

Từ thực tế đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị sửa Luật ban hành VBQPPL năm 2015 phải thể hiện rõ Chính phủ chịu trách nhiệm chính về chính sách đề ra trong dự thảo Luật trình Quốc hội. Trong trường hợp chính sách trong dự án Luật qua thẩm tra và thảo luận tại Quốc hội không được các đại biểu đồng tình thì Chính phủ phải giải trình, thuyết phục và bảo vệ chính sách thể hiện trong dự án trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Nếu cuối cùng Quốc hội vẫn không đồng tình thì Chính phủ và Quốc hội phải nghiên cứu, phân tích, phản biện và giải trình để tìm ra một phương án chính sách mới phù hợp nhất có thể để đưa trình Quốc hội tại các kỳ họp sau. Đồng thời Quốc hội phải chịu trách nhiệm xem xét, thông qua hay chưa thông qua các dự án Luật do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trình với tư cách là một phương thức kiểm soát quyền lực Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đề nghị trong Luật Ban hành VBQPPL cần bổ sung các quy định về phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, về giám sát văn bản của MTTQ Việt Nam. Bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của mặt trận và nhân dân tham gia góp ý kiến với các dự thảo luật...

Tại hội nghị phản biện, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, cần đảm bảo sự tham gia của nhân dân và MTTQ Việt Nam trong quá trình xây dựng VBQPPL, nhất là trong thực tiễn hiện nay, mặc dù đã qua các khâu thẩm định, thẩm tra cho ý kiến nhưng việc ban hành chính sách, pháp luật vẫn đang tồn tại vấn đề lợi ích nhóm, lợi ích ngành. TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, đại biểu Quốc hội khóa 12,13 cho rằng, vai trò phản biện của MTTQ Việt Nam trong quy trình, thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL phải là thủ tục bắt buộc, là một yêu cầu tất yếu khách quan để thực hiện chức năng của MTTQ Việt Nam do hiến định. Điều này bảo đảm tính khách quan, khả thi, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân, tránh lợi ích nhóm, xa rời thực tiễn với những VBQPPL ban hành kiểu “trên giời”.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cũng đề nghị đối với những dự án Luật có tác động lớn đến quyền và lợi ích cơ bản của nhân dân và xã hội, có nhiều ý kiến khác nhau thì phải lấy ý kiến phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam hoặc các tổ chức chính trị - xã hội trước khi thông qua; và cần quy định rõ quy trình, thời gian, hồ sơ gửi lấy ý kiến phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo