Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Năm học mới: Không được tựu trường trước ngày 1/9

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì họp báo.

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 30/6, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức họp báo thường kỳ quý II/2020. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì họp báo.

Sẽ có quy chế quản lý dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông

Thông tin tại đây, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay, Bộ GD-ĐT đang dự thảo quy chế quản lý dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông. Quy chế này sẽ tạo hành lang để hình thức dạy học trực tuyến được công nhận như một phương thức bổ trợ cho dạy học trực tiếp và được công nhận kết quả. Sau khi có quy chế, Bộ sẽ xây dựng thông tư quy định dạy học trực tuyến, quy định trách nhiệm của Sở, phòng GD-ĐT, các nhà trường, cũng như các thầy cô giáo, đồng thời có văn bản hướng dẫn về kỹ thuật, điều kiện đảm bảo việc dạy và học.

Về việc chuẩn bị điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, Bộ GD-ĐT cho hay, đến nay, Bộ GD-ĐT đã nhận được công văn của 63 Sở GD-ĐT báo cáo kết quả lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới của các trường tiểu học. Kết quả cho thấy, tất cả các đầu SGK được phê duyệt cho phép sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông đều được lựa chọn; 61 địa phương chọn SGK ít nhất từ 3 bộ trở lên, trong đó 36 tỉnh chọn SGK của cả 5 bộ. Việc lựa chọn các đầu SGK từ nhiều bộ khác nhau thể hiện tính dân chủ, khách quan trong quá trình lựa chọn. Đồng thời cho thấy các cơ sở giáo dục đã nghiên cứu kỹ lưỡng SGK nên chọn được đầu sách theo từng môn học phù hợp với điều kiện và cơ sở vật chất dạy học của nhà trường. Tại một số địa phương, một số sách có tỷ lệ lựa chọn cao hơn với các sách khác là do tính chất đặc trưng của vùng, miền và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngày 10/6,  Bộ GD-ĐT có công văn hướng dẫn việc cung ứng SGK lớp 1 năm học 2020-2021 gửi các Sở GD-ĐT và các nhà xuất bản có SGK lớp 1 được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt sử dụng trong các cơ sở GDPT. Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu, thời gian bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về sử dụng SGK lớp 1 phải được hoàn thành trước 30/7. Bộ GD-ĐT cũng lưu ý, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu SGK năm học 2020-2021 trên địa bàn. Việc cung ứng sách giáo khoa phải đảm bảo sách đến tay phụ huynh, học sinh, giáo viên trước ngày 15/8. Hiện nay, các nhà xuất bản có SGK được lựa chọn đang phối hợp với các địa phương triển khai bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về sử dụng SGK lớp 1.

Về chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho năm học mới, Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành công văn đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ theo hướng ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học; linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có, trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức thì cần có các giải pháp tạm thời, phù hợp với đặc điểm từng trường, từng vùng miền để đảm bảo “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”.

Tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học

Đối với việc điều chỉnh khung thời gian kế hoạch năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT đang xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, thay thế cho Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT đã áp dụng từ năm học 2017-2018. Theo đó, tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 5/9; quy định không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1/9/2020.

Đối với trường tư thục, Bộ sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT cho phù hợp hơn. Riêng năm học 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kết thúc năm học muộn nên các trường tư thục có thể báo cáo với Sở GD-ĐT về thời gian tập trung học sinh đến trường, tuy nhiên, cần lưu ý dành thời gian cho học sinh được nghỉ hè trong bối cảnh kết thúc năm học muộn.

Theo Bộ GD-ĐT, những năm gần đây, các địa phương thường tổ chức tựu trường đầu tháng 8, điều này làm ảnh hưởng tới thời gian nghỉ hè của học sinh và giáo viên. Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, học sinh phải học chính khóa trong thời gian hè, thời gian nghỉ hè chỉ còn 1,5 tháng, vì vậy, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương không được tựu trường trước ngày 1/9 để đảm bảo thời gian nghỉ hè cho học sinh và giáo viên. Trong thời gian trước khai giảng, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục tuân thủ nghiêm túc việc không dạy học trước chương trình. Đây là tinh thần chỉ đạo rất quyết liệt của lãnh đạo Bộ. Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở giáo dục vi phạm quy định này. Các trường dành tuần đầu tiên của năm học mới để thực hiện các hoạt động đầu năm học theo hướng dẫn của Bộ.

Năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình, vì vậy, thời gian thực học cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (so với 37 tuần hiện nay) như với cấp Tiểu học. Qua đó, tăng thời gian tổ chức các hoạt động trải nghiệm và tăng thời gian nghỉ hè cho giáo viên và học sinh.

Hơn 6.000 giảng viên đại học được huy động thanh tra thi

Đối với kỳ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2020, Bộ GD-ĐT khẳng định phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không có nhiều thay đổi so với năm 2019. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi cơ bản hoàn tất.

Kỳ thi năm nay, giảng viên đại học sẽ không tham gia vào công tác coi thi, chấm thi như mọi năm nhưng sẽ được huy động để tham gia các đoàn thanh tra của Bộ, của Sở triển khai công tác kiểm tra, thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi. Theo hướng dẫn công tác thanh tra kỳ thi đã được Bộ GD-ĐT ban hành, sẽ có hơn 6.000 giảng viên đại học được huy động thực hiện nhiệm vụ này. Đặc biệt, năm nay sẽ có thêm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh tham gia giám sát kỳ thi.

Có thông tin lo ngại về tính trung thực, khách quan khi kỳ thi giao về cho địa phương tổ chức. Bộ GD-ĐT khẳng định lo ngại này là có cơ sở. Để giải quyết vấn đề này, Bộ sẽ tăng cường các giải pháp kỹ thuật, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra. Bộ đặt ra yêu cầu rất cụ thể đối với cán bộ, giảng viên đại học được trưng tập làm công tác thanh tra, kiểm tra. Nếu trường nào cử cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn thì Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo