Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Nâng cao chất lượng công trình thông qua giám sát đầu tư của người dân

Hội nghị mặt trận góp ý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) ngày 21/2

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 21/2, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì hội nghị góp ý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự án luật nay nhằm thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực của khu vực tư nhân cũng như các nguồn lực của Nhà nước trong dự án PPP, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế, xã hội của đất nước.

Tại hội nghị, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam công bố một kết quả khảo sát và báo cáo của MTTQ Việt Nam tại 62 tỉnh thành. Theo đó, hiện nay cả nước có 12.946 Ban giám sát đầu tư của cộng đồng trên tổng số 11.159 xã, phường, thị trấn với tổng số thành viên ban giám sát đầu tư của cộng đồng là 92.285 người. Tổng số cuộc giám sát đầu tư của cộng đồng được thực hiện mỗi năm lên tới hàng chục ngàn, trong đó hàng ngàn vụ việc, kiến nghị được cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, nhà thầu, chủ đầu tư... xử lý, giải quyết.

Góp ý vào dự án luật này, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thường cho rằng, các luật hiện nay quy định chưa đồng bộ nên các hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng rất khó khăn. Mặc dù hiện nay cơ chế giám sát của mặt trận tương đối đầy đủ nhưng vẫn chưa sát với thực tiễn cuộc sống. Mặt trận thành lập ra ban giám sát đầu tư của cộng đồng và gần như giao khoán cho các thành viên của ban, quyền hạn của ban thì bị giới hạn ở mức độ nhất định, số lượng ít, trình độ thành viên không đồng đều nên chất lượng giám sát không cao.

Thực tế ở một số địa phương hiện nay, nhiều dự án được đầu tư bằng phương thức PPP, khi triển khai, nhiều nơi xã đề nghị thông qua huyện, huyện gửi lên tỉnh để biểu quyết thông qua dự án, đó là cách làm rất tốt. Vì thế, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần nêu rõ MTTQ các cấp chỉ đạo các hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng; đối với những dự án đã triển khai rồi thì không tổ chức phản biện nữa mà chuyển sang nội dung giám sát.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng cần quy định rõ vai trò giám sát, phản biện của MTTQ trong việc lập kế hoạch, thành lập đoàn giám sát và thành lập Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đối với dự án PPP. Phải làm rõ sự khác biệt giữa đoàn giám sát của Quốc hội, đoàn giám sát của HĐND và MTTQ Việt Nam các cấp. Bên cạnh đó, Luật cần nêu rõ trách nhiệm của chủ đầu tư đối với ý kiến kết luận từ hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ các cấp và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng vì thực tế ở một số nơi, ý kiến của Ban gửi đến chủ đầu tư không được giải quyết kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân và dẫn đến hiện tượng khiếu kiện kéo dài.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, đây là Luật mới nhằm đáp ứng nhu cầu, nguồn lực phát triển đất nước cũng như để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Chủ trương của Đảng, Nhà nước rất muốn phát huy vai trò giám sát của nhân dân, nâng cao chất lượng đầu tư công, nâng cao chất lượng công trình thông qua Ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở rất khó khăn trong đọc hồ sơ, đọc bản thiết kế; nếu chủ đầu tư không cung cấp thông tin thì Ban cũng không có chế tài để xử lý... Do đó, để phát huy được nội dung này, Luật cần chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình hiện nay, khắc phục những hạn chế hiện hành để hạn chế những khó khăn, vướng mắc khi triển khai các hoạt động giám sát tại cơ sở.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo