Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Ngăn chặn, kiểm soát bệnh sởi tăng cao

Kiểm tra công tác phòng, chống bệnh sởi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. (Ảnh: Đan Như)

(Thanhuytphcm.vn) - Khoảng 95% (không tính số trẻ dưới 9 tháng tuổi) bị mắc sởi chưa được tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Bệnh sởi năm nay không chỉ xuất hiện ở trẻ em mà có người lớn cũng bị mắc bệnh. Nếu không tiêm chủng, kiểm soát dịch bệnh tốt, số ca bệnh sởi sẽ tăng nhanh. Đó là những thông tin được đưa ra tại buổi kiểm tra của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về công tác phòng, ngừa bệnh sởi tại TPHCM diễn ra ngày 21/1.

270 người trên 16 tuổi mắc bệnh sởi

Báo cáo tại buổi làm việc, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM Lê Thị Hồng Nga cho biết, tính từ đầu năm 2018 đến 10/1/2019, TP đã có 1.989 ca sởi. Theo ghi nhận, từ tuần 32 năm 2018, hàng tuần đều có ca bệnh sởi và tăng nhanh. Riêng từ cuối tháng 12/2018, mỗi tuần TP có khoảng 300 - 400 ca.

Các quận có số ca tuyệt đối cao nhất của TP là các quận có khu công nghiệp như: Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức,… Về độ tuổi, số ca bệnh chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi. Theo thống kê, có 4,8% số ca bệnh là trẻ dưới 9 tháng tuối. Số trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh chiếm 60%. Đối với độ tuổi trên 16 tuổi có 270 trường hợp (chiếm 13,6%).

Bà Lê Thị Hồng Nga cho biết, năm nay bệnh không chỉ ở trẻ em mà có cả trường hợp người trên 16 tuổi cũng mắc bệnh sởi. Riêng số trẻ 6 - 10 tháng tuổi mắc bệnh có thể kháng thể của mẹ trong thời điểm trẻ ở độ tuổi này đã giảm, miễn dịch sởi của mẹ không còn đủ để truyền cho con. Vì vậy, cần khuyến cáo cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần tiêm ngừa sởi trước khi có thai.

Riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, một trong những bệnh viện tiếp nhận nhiều ca mắc sởi tại TPHCM nhất, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận 1.025 ca khám ngoại trú bệnh sởi, nhập viện nội trú 645 trường hợp. Đáng lưu ý là có những ca người lớn mắc sởi trên bệnh nền, khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Thậm chí là có nhiều phụ nữ mang thai mắc sởi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi.

Đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP cho biết, đây là năm đầu tiên bệnh viện tiếp số ca mắc sởi ở cả người lớn và trẻ em nhiều như vậy, với tỷ lệ người lớn và trẻ em đang tương đồng nhau 50 - 50. Trong số các ca điều trị tại bệnh viện này, có 66% bệnh nhân ngụ tại TPHCM, còn lại chủ yếu là Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Số ca biến chứng phải thở máy chiếm 27% các bệnh nhân được điều trị nội trú. Bệnh viện đã giành 2 khoa để tiếp nhận bệnh nhân mắc sởi, gồm người lớn và trẻ con tách biệt.

Khoảng 95% số trẻ mắc sởi chưa tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ mũi

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, năm 2008 - 2009 TP có hơn 1.000 ca mắc sởi và năm 2013 - 2014 có hơn 1.500 ca. Theo thống kê này, 5 năm/lần bệnh sởi tại TPHCM lại tăng. Thường số ca tăng từ cuối năm trước và kéo dài đến năm sau. Hiện số ca đang mắc sởi tại TP có dấu hiệu tăng hàng tuần, chưa có dấu hiệu giảm. Nếu không tiêm chủng tốt, kiểm soát dịch bệnh sẽ tăng nhanh. Trong khi đó vẫn còn khoảng 13,5% số trẻ không tiêm trong chiến dịch tiêm chủng nhưng cũng không cung cấp bằng chứng là trẻ đã tiêm đủ 2 mũi sởi. Nếu thật sự những trẻ này chưa tiêm sởi thì đây là nhóm đối tượng nguy cơ rất cao, có thể mắc sởi nếu tiếp xúc với mầm bệnh.

Bà Lê Thị Hồng Nga cho biết, trong số các ca bệnh sởi từ đầu năm 2018 đến nay, khoảng 95% (không tính trẻ dưới 9 tháng tuổi) chưa tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Một số phụ huynh nói lý do do cơ sở tiêm dịch vụ tư vấn tiêm mũi 1 cho trẻ khi trẻ được 12 tháng tuổi và 3 năm sau mới tiêm nhắc nên đã không tiêm mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi.

Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, GS.TS Phan Trọng Lân cho rằng, để phòng ngừa tốt dịch bệnh sởi cần nâng cao miễn dịch cộng đồng, đảm bảo trên 95% có miễn dịch; khuyến cáo các bà mẹ tiêm chủng trước lúc mang thai 3 tháng. Cùng với đó là giám sát phát hiện, quản lý sớm các ca bệnh tại bệnh viện và cộng đồng; kiểm soát lây chéo trong bệnh viện.

Phát biểu tại buổi kiểm tra, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, kịch bản dịch sởi năm nay không khác so năm 2013 và năm nay có phần đến sớm hơn tại khu vực Đông Nam bộ. Năm nay, ngoài xảy ra ở trẻ em, dịch xảy ra ở cả người lớn. Để kiểm soát dịch bệnh phải xem lại việc nhân viên y tế khai thác thông tin, địa chỉ nhà của bệnh nhân. Công tác giám sát phải điều tra được đối tượng mắc bệnh. Thực hiện tiêm chủng mở rộng, quan trọng là tìm được trẻ chưa tiêm để số này được tiêm ngừa. Trong công tác thu dung điều trị, các bệnh viện chú ý về khả năng tiếp nhận bệnh nhân khi dịch bùng phát mạnh; bệnh nhi cần được nằm cách ly nhau, không để bệnh lây sang bệnh nhân khác.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo