Lê Bảo Châu trong tạo hình Thiên vương tại các lớp múa chào mừng của nghệ thuật hát bội. (Ảnh: Ngân Anh)
(Thanhuytphcm.vn) - “Lúc mới xin học nghề, ai cũng nghĩ chắc tôi chỉ theo được một tuần, hay lâu lắm là một tháng thôi chớ sao chịu cực nổi… Không ngờ cũng đã 16 năm rồi”, Lê Bảo Châu (sinh năm 1986) - nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM vừa đoạt Huy chương vàng cuộc thi Tài năng trẻ Diễn viên Sân khấu Tuồng, Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2017 (diễn ra tại TP Thanh Hóa vào tháng 8 vừa qua) – đã chia sẻ về con đường trở thành nghệ sĩ hát bội.
Tự hào là nghệ sĩ hát bội
Sắc vóc đẹp, gương mặt sáng sân khấu, chất giọng vang khỏe, Lê Bảo Châu hoàn toàn có thể lựa chọn một con đường nghệ thuật bằng phẳng hơn - như trở thành diễn viên, ca sĩ hay nghệ sĩ cải lương - nhưng hát bội mới là lựa chọn của anh. “Tôi đến với nghề là cái duyên. Nhà tôi ở sát rạp Long Phụng (Quận 1), trụ sở đoàn hát bội, mỗi lần thấy nghệ sĩ tập tuồng hay biểu diễn là lại chạy qua coi. Ban đầu chỉ là tò mò rồi mê tự hồi nào không hay. Lúc đó, cũng nào đã hiểu gì, chỉ biết mình bị cuốn hút mãnh liệt bởi sự biến hóa kỳ lạ của người nghệ sĩ trên sân khấu. Tôi nhớ trích đoạn Phụng Nghi Đình, thầy Xuân Quan làm Lữ Bố, vũ đạo rất đẹp. Tôi cũng muốn mình múa hát được như thế”, Bảo Châu kể.
Cứ thế, ngày ngày tiếp xúc với các lớp diễn, các vai tuồng, Bảo Châu “thấm” dần, chỗ nào không hiểu thì hỏi, được mọi người trong đoàn giảng giải, chỉ dẫn và khuyến khích theo học. Năm 2001 - 2002, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM mở lớp đào tạo diễn viên theo phương thức truyền nghề với phần lớn học viên là con em nghệ sĩ trong đoàn hoặc “con nhà nòi nghệ thuật”. Thế nên không mấy ai tin một thằng nhóc lông bông, lại là “người ngoại đạo” có thể trụ lại được. “Ngay cả mẹ tôi cũng nghi ngờ. Mẹ hỏi tôi có theo nghề nổi không hay chỉ một thời gian là chán rồi bỏ, lại làm mẹ mất mặt. Tôi khẳng định sẽ theo đến cùng và thuyết phục mẹ xin Nhà hát cho tôi theo học. Mừng là tôi đã không làm mẹ thất vọng và mẹ vẫn luôn là khán giả lớn của tôi”, Lê Bảo Châu chia sẻ.
Ở tuổi 15, Bảo Châu chưa thể mường tượng hết được con đường gian nan phía trước, chỉ cố gắng quan sát, học hỏi thật nhiều, luyện tập thật chăm chỉ, tích lũy kinh nghiệm từ những vai nhỏ nhất. Nhớ lại, Bảo Châu cũng không ngờ rằng mình có thể vượt qua được giai đoạn đi hát chỉ có 20.000 đồng/suất diễn mà gắn bó với hát bội đến hôm nay. “Đam mê - chỉ có đam mê mới theo nổi nghề này thôi. Nghệ sĩ hát bội thu nhập rất thấp. Nhưng tôi yêu nghề và tự hào là một nghệ sĩ hát bội”, Lê Bảo Châu bộc bạch với nụ cười rất tươi và đầy tự tin.
Vai diễn Hoàng Phi Hổ (trích đoạn Hoàng Phi Hổ quy Châu) đã đem về cho Lê Bảo Châu chiếc huy chương vàng Tài năng Trẻ Diễn viên sân khấu Tuồng, Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2017. (Ảnh: Ngọc Tuyết) Hát vì “khán giả tri kỷ”
Tháng 9/2008 đến tháng 1/2010, Lê Bảo Châu thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Lữ đoàn 146 Hải quân đóng tại Cam Ranh - Khánh Hòa. Là nghệ sĩ, Bảo Châu được ưu tiên tham gia lực lượng văn công phục vụ cán bộ, chiến sĩ ở Vùng 4 Hải quân. Bảo Châu cho biết: “Đây là giai đoạn rất đáng nhớ. Trở thành người lính, tôi rất vinh dự đã được đặt chân đến 32 điểm đảo của quần đảo Trường Sa; đã chứng kiến và hiểu được cuộc sống khắc nghiệt của người lính đảo để thấy mình phải trưởng thành hơn, phải nỗ lực nhiều hơn trong mọi việc. Tôi cũng tranh thủ giới thiệu nghệ thuật hát bội cho đồng đội. Nhiều người, nhất là các sĩ quan cấp trên, rất ngạc nhiên khi thấy một người lính trẻ lại biết hát bội, mà hát cũng khá. Tôi tự hào vì điều này!”.
Được gợi ý chính thức tham gia văn công khi xuất ngũ nhưng Bảo Châu đã chọn trở về Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM. Anh bày tỏ: “Ở tuổi 23, tôi đã ý thức được nghệ thuật hát bội đã là một nghệ thuật quá xưa cũ ở một TP hiện đại, chỉ còn vấn vương bởi những khán giả lớn tuổi hay một số ít người hoài cổ. Nhưng tôi đã không thể rời xa cái nghề này nữa. Với tôi, chỉ cần được làm nghề thôi đã đủ rồi!”.
Hơn 10 năm ròng cọ xát sàn diễn với sự bảo ban tận tình của những người thầy trong Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM (các NSƯT Xuân Quan, Hữu Danh, Ngọc Nga, Nguyễn Hoàn, Linh Hiền, Linh Phước…), Lê Bảo Châu đã có những bước tiến vững chắc với những vai diễn tạo được dấu ấn riêng, như: Khương Linh Tá (San Hậu), Lữ Bố (Phụng Nghi Đình), Đặng Đại Độ (Dũng khí Đặng Đại Độ), Tự Đức (Tiết phụ khả gia), Phan Đình Phùng (Nước mắt quyền thần)… Với vai diễn Hoàng Phi Hổ (trích đoạn Hoàng Phi Hổ quy Châu), Lê Bảo Châu nhận huy chương vàng Tài năng trẻ Diễn viên Sân khấu Tuồng, Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2017 với số điểm khá cao từ Hội đồng nghệ thuật. Đây là cột mốc quan trọng giúp anh khẳng định năng lực sau 16 năm theo nghề, cũng đánh dấu khởi đầu mới với yêu cầu cao hơn từ khán giả và cả bản thân nghệ sĩ.
Lê Bảo Châu bộc bạch: “Cái nghề này phải học hỏi từng ngày. Tôi trưởng thành hơn qua từng vai diễn, cảm nhận nhân vật cũng trọn vẹn hơn. Không còn chỉ diễn theo bản năng, hay chỉ thích những vai sở trường vũ đạo nữa mà muốn thử sức nhiều hơn ở những dạng vai đào sâu nội tâm diễn xuất. Tôi luôn muốn mình phải tiến bộ, phải ca diễn sâu sắc hơn vì những “khán giả tri kỷ”, như: ông cụ ở Hóc Môn mỗi lần đi coi hát là xách theo cái ghế, như một bà cụ đoàn hát ở đâu là lại bắt xe buýt đến xem, hay nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải năm nào cũng coi tuồng San Hậu ở đình Tân Thông Hội (Củ Chi), phải xem hết lớp “Ôn Đình chém Tá” rồi mới về… Chỉ cần khán giả còn biết đến hát bội, còn có những “khán giả tri kỷ” như thế đã là niềm vui và động lực lớn cho người nghệ sĩ trau dồi nhiều hơn…”.
Tối 22/9, tại Sân khấu Sen Hồng (Quận 1), Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM sẽ biểu diễn phục vụ khán giả TP các tiết mục dự thi Tài năng trẻ Diễn viên Sân khấu Tuồng, Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2017: Hoàng Phi Hổ quy Châu - Lê Bảo Châu (huy chương vàng), Châu Xáng tá Thanh Long đao - Nguyễn Thanh Bình (huy chương bạc), Đào Tam Xuân đề cờ - Huỳnh Anh Thi (huy chương bạc), Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ - Nguyễn Ngọc Giàu (giấy khen), La Nhơn đại chiến Đồ Lư - Huỳnh Nguyễn Tuấn (giấy khen).