Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để các địa phương phát triển nhanh, bền vững

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại phiên thảo luận.

(Thanhuytphcm.vn) – Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 2, sáng 27/10, Quốc hội tổ chức thảo luận trực tuyến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Tạo điều kiện và động lực mới cho phát triển bứt phá

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều thống nhất ban hành nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các địa phương. Các nghị quyết này khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo điều kiện và động lực mới cho phát triển bứt phá, khai thác, phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh, hình thành các cực tăng trưởng mới, đóng góp chung cho phát triển của cả nước và các vùng kinh tế trọng điểm.

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ (TPHCM) đồng tình và nhất trí cao với dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh thành Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế. Nếu nghị quyết được thông qua, sẽ tạo điều kiện để các địa phương phát huy được tiềm năng, thế mạnh, cũng như có tác động thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng, khu vực. Đồng thời, đề cao tính tự lực, tự cường và phát huy được tinh thần năng động, sáng tạo của từng địa phương trong việc triển khai thực hiện và phát triển kinh tế - xã hội. “Đây là thời cơ mới, vận hội mới để các địa phương phát triển nhanh, bền vững hơn, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của đất nước” - ĐB Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.

Theo ĐB Nguyễn Thị Lệ, TP Hải Phòng với lợi thế là cửa ngõ chính ra biển của cả khu vực phía Bắc, có vị trí chiến lược, đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong tam giác phát triển phía Bắc gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đặc biệt, Hải Phòng là địa bàn có mối quan hệ chiến lược với các cực tăng trưởng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á. Do vậy cần tăng thêm quyền tự chủ để Hải Phòng phát huy thế mạnh về kinh tế biển, trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ logistics của khu vực phía Bắc, cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Đối với Nghệ An, ĐB Nguyễn Thị Lệ cho rằng là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam, dân số thứ tư cả nước, có vị trí trung tâm vùng Bắc Trung bộ. Ngoài ra, Nghệ An có hơn 400 km đường biên giới với Lào, thuận lợi cho trao đổi, giao thương với Lào và Thái Lan. Đồng thời hiện nay Nghệ An đã xác định được 3 vùng kinh tế trọng điểm gắn kết với nhiều địa phương khác trong tỉnh và các địa phương của các tỉnh giáp ranh Thanh Hóa, Hà Tĩnh.

Còn Thừa Thiên - Huế sở hữu 5 danh hiệu UNESCO (1 di sản văn hoá thế giới, 1 di sản văn hóa phi vật thể, 3 di sản tư liệu thế giới); có quần thể di tích cố đô Huế với những công trình đặc sắc của kiến trúc kinh thành Việt Nam một thời. “Đây là điểm mạnh để Thừa Thiên - Huế cần có cơ chế đặc thù, tạo nguồn lực để tỉnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và bản sắc văn hóa Huế gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống, là khâu đột phá để phát triển du lịch” - ĐBQH Nguyễn Thị Lệ nói.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, là địa phương có Khu kinh tế Nghi Sơn gắn với cảng nước sâu Nghi Sơn và 8 khu công nghiệp; có vùng lãnh hải rộng lớn, bờ biển dài, sở hữu gần 300 mỏ với 42 loại khoáng sản; hệ thống giao thông thuận lợi với nhiều trục tuyến giao thông quốc gia quan trọng đi qua... “Đây chính là những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, trở thành một cực tăng trưởng mới, cộng hưởng, lan tỏa, kết nối, thúc đẩy phát triển các tỉnh phía Bắc và cả nước. Nếu được thông qua cơ chế đặc thù, chắc chắn Thanh Hóa sẽ có điều kiện để tăng trưởng vượt trội trong thời gian tới” - ĐB Nguyễn Thị Lệ khẳng định.

Quang cảnh tại điểm cầu TPHCM. Quang cảnh tại điểm cầu TPHCM.

TPHCM sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm

Với đặc thù là một đô thị đặc biệt, ĐB Nguyễn Thị Lệ khẳng định TPHCM sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đang triển khai thí điểm Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, đến nay có thể nói Nghị quyết 54 đã giúp TP chủ động hơn trên một số lĩnh vực như: quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định; quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách TP theo quy định của Luật Đầu tư công; đề xuất Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn TP thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường; quyết định mức tăng thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành; quyết định áp dụng trên địa bàn TP về phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.

Đặc biệt, UBND quận huyện được thực hiện 28 nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND TP trên các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, dự án, giao thông, văn hoá, xã hội, khoa học và nội vụ. Từ đó, UBND quận huyện đưa ra 7 nội dung quy định các nhiệm vụ, quyền hạn UBND quận huyện được ủy quyền cho chủ tịch UBND cấp xã. Hay chính sách thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức cũng tạo không khí làm việc tốt hơn, phần nào giữ chân được nhân tài trong đội ngũ cán bộ công chức TP.

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Lệ, tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết 54 đến nay TP đã có nhiều cố gắng thực hiện nhưng gặp vướng mắc, khó khăn, cũng như bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nên chưa thụ hưởng các khoản thu, điển hình nhất là việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm do chưa có hướng dẫn thống nhất giữa các bộ ngành Trung ương, hay việc thiếu hợp tác để bán các tài sản công của các cơ quan Trung  ương đóng trên địa bàn TP để tạo nguồn lực cho TP hưởng 50% giá trị tài sản bán được...

ĐB Nguyễn Thị Lệ kiến nghị Quốc hội ban hành cơ chế giám sát, đôn đốc phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, tháo gỡ các điểm nghẽn trong việc thực thi các cơ chế, chính sách đặc thù để TP, cũng như các địa phương có cơ chế đặc thù phát huy tốt nhất các tiềm năng, thế mạnh riêng có của từng địa phương, tránh việc có cơ chế nhưng không thực hiện được do vướng thủ tục, gây lãng phí nguồn lực kéo dài. Bên cạnh đó, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện khoản 8, khoản 11 của Nghị quyết 54 trước tình hình khó khăn của dịch bệnh hỗ trợ TP khắc phục phục hồi kinh tế; đồng thời kiến nghị Quốc hội ban hành cơ chế giám sát đôn đốc phối hợp để triển khai đồng bộ giữa các cơ quan Trung ương.

Đa số đại biểu đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện đối với các địa phương hiện đang thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù theo các nghị quyết của Quốc hội trước đây đã ban hành; báo cáo về tiêu chí lựa chọn địa phương được áp dụng cơ chế đặc thù và cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương khác để tạo động lực phát triển đồng đều. Ngoài ra, việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cần đánh giá việc lượng hóa các chính sách đặc thù quy định cho 4 tỉnh như dự thảo có ảnh hưởng như thế nào đối với việc thu ngân sách nhà nước và phải phù hợp với cân đối chung của cả nước...

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo