Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM và dấu ấn Cây sáo thần

Cảnh trong vở nhạc kịch Cây sáo thần.

(Thanhuytphcm.vn) - Tối 9/6, tại Nhà hát TPHCM (Quận 1), vở nhạc kịch trứ danh Cây sáo thần một lần nữa lại đến với khán giả TPHCM. Ra mắt lần đầu vào năm 2014, Cây sáo thần là tác phẩm nhạc kịch được Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM (HBSO) dàn dựng thành công và phổ biến nhất. Đặc biệt hơn, có thể nói đây là tác phẩm đánh dấu bước phát triển mới của nghệ thuật hàn lâm TPHCM.

Sau hơn 200 năm, vở nhạc kịch Cây sáo thần của thiên tài âm nhạc người Áo Wolfgang Amadeus Mozart vẫn nằm trong số những tác phẩm nhạc kịch được đánh giá cao nhất, được biểu diễn thường xuyên nhất trên thế giới. Hàng năm, vở vẫn nằm trong danh mục biểu diễn của hàng chục nhà hát opera danh tiếng thế giới với muôn vàn sáng tạo về phong cách dàn dựng.

Thế nhưng, cơ hội thưởng thức một vở nhạc kịch hoàn chỉnh tại Việt Nam không nhiều, đặc biệt là những vở thuộc hàng nổi tiếng nhất như Cây sáo thần. Với loại hình nghệ thuật đỉnh cao tổng hòa nhiều yếu tố: âm nhạc, thanh nhạc, kịch, múa, thiết kế, phục trang, ánh sáng… cùng sự đảm bảo những trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ sân khấu nhạc kịch thì có một khoảng thời gian rất dài, việc trình diễn một vở opera hoàn chỉnh chỉ là niềm mong mỏi thiết tha của người nghệ sĩ tại TPHCM.

HBSO được thành lập vào năm 1993, có chương trình biểu diễn đầu tiên vào năm 1994 và mãi đến năm 2005 mới chính thức có  đoàn Nhạc kịch. Để có thể dàn dựng và biểu diễn hoàn chỉnh vở nhạc kịch đầu tiên, đoàn Nhạc kịch HBSO đã nỗ lực xây dựng lực lượng trong nhiều năm, đặc biệt là dàn hợp xướng và các solist lĩnh xướng. Cùng với đó là dàn dựng và biểu diễn các trích đoạn opera nổi tiếng và tiến tới là các thanh xướng kịch, như: Dido và Aeneas của nhà soạn nhạc người Anh Henry Purcell vào năm 2012, hay thanh xướng kịch Messiah của nhà soạn nhạc người Đức George Friedrich Handel vào năm 2013.

Đặc biệt, tháng 11/2013, với sự hỗ trợ của Dự án Transposition - Na Uy, HBSO đã dàn dựng và biểu diễn trọn vẹn vở Cây sáo thần với phiên bản hòa nhạc, tập trung chủ yếu cho phần thanh nhạc. Đây như là bước chuẩn bị cuối cùng để HBSO lần đầu tiên đưa vở nhạc kịch Cây sáo thần của Mozart hoàn chỉnh cả về âm nhạc, phục trang, ánh sáng, thiết kế sân khấu, diễn xuất kịch, vũ đạo… dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn người Đức David Hermann đến với công chúng TP vào năm 2014.

Từ đó đến nay, trong mỗi mùa diễn, HBSO đều cố gắng tái diễn Cây sáo thần với nhiều bổ sung, sáng tạo mới nhằm tiếp tục hoàn thiện tác phẩm. Năm nay, HBSO hợp tác với Viện Goethe (Đức) tổ chức biểu diễn Cây sáo thần với lời ca bằng tiếng Đức và lời thoại bằng tiếng Việt. Ngoài nghệ sĩ khách mời đặc biệt đến từ Hongkong là Derek Anthony (trong vai Sarastro), toàn bộ các vai diễn còn lại đều do các nghệ sĩ Việt Nam đảm nhận, như: Phạm Khánh Ngọc - vai Nữ hoàng đêm, Đào Mác - vai chàng trai làm nghề bẫy chim Papageno, Phạm Trang - vai Tamio, Phạm Duyên Huyền và Võ Thụy Ngọc Tuyền - vai Pamina… Nhạc trưởng Trần Nhật Minh chỉ huy đêm diễn.

NSƯT - nhạc trưởng Trần Vương Thạch đánh giá, đến nay vở nhạc kịch Cây sáo thần chính là tác phẩm đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của nghệ thuật âm nhạc hàn lâm tại TPHCM, khẳng định sự phát triển, hội nhập với văn hóa nghệ thuật đỉnh cao của thế giới.

Cây sáo thần tiếp tục đến với khán giả TPHCM trong đêm 10/6. HBSO vẫn duy trì chính sách ưu đãi giá vé cho khán giả học sinh, sinh viên đến xem vở.

Ngọc Tuyết


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo