Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nhà nước có chính sách và biện pháp đồng bộ để bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm tham gia phát biểu tại điểm cầu TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 23/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận.

Cần nêu rõ hơn tỷ lệ điều tiết của ngân sách Trung ương và ngân sách TP Đà Nẵng

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết này thực hiện việc phân cấp mạnh hơn nhưng gắn với trách nhiệm của chính quyền TP trong một số lĩnh vực: thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị; quản lý quy hoạch và quản lý tài chính - ngân sách. Theo đó, chính quyền TP được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Cấp quận và phường không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND quận và UBND phường.

Bên cạnh đó, thí điểm đổi mới về quy định UBND quận, phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, UBND quận, phường chỉ gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND và công chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, phường. Mô hình này quy định chỉ tổ chức một cấp ngân sách TP, theo đó quận và phường chỉ là một đơn vị dự toán ngân sách của TP thay vì 3 cấp ngân sách TP, quận, phường như trước đây cũng là điểm mới của mô hình này.

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại điểm cầu TPHCM Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại điểm cầu TPHCM

Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng dự kiến được thực hiện từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng mỗi địa phương có đặc thù khác nhau, Đà Nẵng khác với TPHCM, Hà Nội, vì là đô thị có biển, vì vậy cần chủ trương, cơ chế phát triển riêng. Bên cạnh đó, việc xây dựng thí điểm mô hình một cấp chính quyền ở Đà Nẵng, khác với mô hình thí điểm ở Hà Nội để sau này tổng kết sẽ có thể lựa chọn xem mô hình nào ưu việt hơn. Từ đó, áp dụng chính thức hoặc nhân rộng.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế TP Đà Nẵng không vi hiến và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phép. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng Nghị quyết Quốc hội cần nêu rõ hơn tỷ lệ điều tiết của ngân sách Trung ương và ngân sách TP Đà Nẵng theo hướng tăng hơn so với hiện nay. Đồng thời, với thí điểm của TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, Chính phủ cần nghiên cứu, thấu đáo để điều chỉnh trong quy định của pháp luật, những địa phương có điều kiện vẫn có thể thực hiện trong thời gian tới.

Theo thực tiễn thí điểm tại TPHCM, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng HĐND TP Đà Nẵng cần tăng đại biểu chuyên trách, để địa phương, quận, huyện có một đại biểu chuyên trách đại diện cho nhân dân ở quận, huyện đó. Bên cạnh đó, đại biểu chuyên trách được hoạt động ở các ban của HĐND vừa đảm bảo giữ mối quan hệ cử tri và phát huy dân chủ địa phương; nâng cao năng lực các ban của HĐND trong quá trình giám sát. Đồng thời, tăng cường giám sát và kiểm soát quyền lực, cần đặt ra sự lãnh đạo cấp ủy, tính kỷ cương của UBND, sự phối hợp của hệ thống chính trị.

Cũng có đại biểu có ý kiến cho rằng, việc triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay không mang tính chất thử nghiệm như các địa phương khác mà thực chất là khẳng định và tiếp tục hoàn thiện mô hình này trên cơ sở phân cấp hợp lý chức năng, nhiệm vụ; sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính quyền; tạo sự chuyển biến mạnh về năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương…

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đại biểu băn khoăn về việc bố trí số đại biểu HĐND khi có sự thay đổi về mô hình đô thị ở TP; quy hoạch TP phải theo Luật Quy hoạch và tuân theo quy hoạch tổng thể như quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội đối với Dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu Chính phủ và cơ quan thẩm tra tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Nhà nước bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) bao gồm 7 Chương với 43 Điều, được quy định về công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú. Bên cạnh đó, quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quy định. Nhà nước bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân; Cơ quan, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền tự do cư trú của công dân phải bị xử lý nghiêm minh; Nhà nước có chính sách và biện pháp đồng bộ để bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân…

Quang cảnh các đại biểu Quốc hội nghe trình bày báo cáo dự án  Luật Cư trú (sửa đổi) Quang cảnh các đại biểu Quốc hội nghe trình bày báo cáo dự án Luật Cư trú (sửa đổi)

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định các  hành vi bị nghiêm cấm như: cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú; Lạm dụng thông tin về nơi thường trú, tạm trú để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; Đưa, nhận hối lộ, gây phiền hà trong việc đăng ký, quản lý cư trú; Không tiếp nhận, trì hoãn việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, tạm trú; không thực hiện, thực hiện không đúng thời hạn đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú cho công dân khi hồ sơ đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú. Tự đặt ra thời gian, thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu trái với quy định của pháp luật hoặc làm sai lệch thông tin, sổ sách, hồ sơ về cư trú. Cố ý cấp hoặc từ chối cấp giấy tờ về cư trú trái với quy định của pháp luật. Lợi dụng quyền tự do cư trú để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Theo Bộ Trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Luật Cư trú (sửa đổi) được xây dựng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về cư trú bảo đảm phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Thực hiện chủ trương hiện đại hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác quản lý dân cư; bảo đảm tốt hơn nữa tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cư trú. Đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về các giấy tờ của công dân; đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo