Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội đã được cân nhắc, lựa chọn kỹ

Hội nghị hiệp thương lần thứ 3

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 16/4, tại Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 để lựa chọn, lập danh sách 205 người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, lãnh đạo Quốc hội đã giải đáp nhiều thắc mắc của đại biểu về một số trường hợp cụ thể.

Tại hội nghị, các ý kiến thảo luận và cho ý kiến về tiêu chuẩn của ĐBQH, tiêu chuẩn ĐBQH chuyên trách; về cơ cấu thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH và về một số nhân sự cụ thể. Các ý kiến đề nghị cần làm tốt công tác khai tài sản của các ứng viên; bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu; không để tình trạng “cha truyền con nối”, gửi gắm người nhà… Một số trường hợp ứng cử viên còn gây băn khoăn không bảm đảm tiêu chuẩn, chức danh…

Giải trình lại các băn khoăn của đại biểu, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Thanh cho rằng, theo quy định, người ứng cử làm ĐBQH chuyên trách ở Trung ương phải đáp ứng một trong các trường hợp sau: đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ; chức vụ là từ Vụ trưởng, tương đương chức vụ Giám đốc Sở, ngành và tương đương trở lên; đã được quy hoạch làm ĐBQH chuyên trách. Đối với một số trường hợp Phó Vụ trưởng và tương đương đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ từ 3 năm trở lên, có chuyên môn sâu, có triển vọng phát triển và đã được quy hoạch làm ĐBQH chuyên trách mà lĩnh vực đó cần có ĐBQH, thì Bộ Chính trị giao Đảng, Đoàn Quốc hội phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định, đảm bảo đúng quy định.

Ban Tổ chức Trung ương cũng đã có hướng dẫn cụ thể, quy định đối với một số lĩnh vực cần thiết phải có cơ cấu ĐBQH nhưng không có nhân sự cấp Vụ trưởng và tương đương, nếu đáp ứng yêu cầu thì Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể, bảo đảm đúng quy định đối với các nhân sự là ĐBQH chuyên trách tại các cơ quan Trung ương.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng nhấn mạnh, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị bầu cử, nhất là công tác chuẩn bị về nhân sự ĐBQH, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị, tuân thủ chặt chẽ quy định của Luật bầu cử và các văn bản có liên quan, bảo đảm công tâm, khách quan, đúng quy định. Trên cơ sở thông báo Kết luận số 174-TB/TW của Bộ chính trị về phương hướng bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và hướng dẫn của Ban tổ chức Trung ương, Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban công tác đại biểu, các cơ quan hữu quan triển khai các bước chặt chẽ, đúng quy định, đúng hướng dẫn.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, danh sách các ứng cử viên ĐBQH chuyên trách ở Trung ương đều có trong quy hoạch, được các cơ quan lựa chọn, giới thiệu qua các bước rất chặt chẽ, có sự tìm hiểu, đánh giá cả về hồ sơ và thực tế công tác; được giới thiệu với tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao. Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát, giới thiệu nhân sự đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có năng lực, trình độ để giới thiệu ứng cử, bảo đảm năng lực thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội.

Đối với một số trường hợp theo hướng dẫn cần phải có sự trao đổi với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội đã cân nhắc, lựa chọn kỹ, thận trọng và trên cơ sở thống nhất của Ban Tổ chức Trung ương mới giới thiệu tham gia ứng cử ĐBQH. Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ 2, tiếp thu ý kiến của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan tiếp tục rà soát các ứng cử viên ứng cử ĐBQH một cách kỹ lưỡng, thận trọng, bám sát tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định.

“Như vậy, có thể thấy rằng, danh sách mà Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị và giới thiệu đều là cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; được đào tạo cơ bản, có năng lực chuyên môn sâu, nổi trội, nhiều kinh nghiệm về xây dựng pháp luật, công tác giám sát, tham mưu quyết định những vấn đề quan trọng; có uy tín, triển vọng phát triển; được các Ủy ban của Quốc hội giới thiệu với số phiếu tín nhiệm; được cơ quan nơi công tác và cử tri nơi cư trú giới thiệu tuyệt đối để tham gia ứng cử ĐBQH”, đồng chí Đỗ Bá Tỵ khẳng định.

Sau hội nghị Hiệp thương lần 3, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các tỉnh thành xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức hội nghị cử tri để những người ứng cử ĐBQH gặp gỡ, tiếp xúc cử tri nơi mình ứng cử để thực hiện quyền vận động bầu cử theo quy định. Thời gian tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử được tiến hành từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ ngày 22/5).

Sau khi Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ứng cử ĐBQH thông báo cho người ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình sắp xếp thời gian về địa phương nơi mình ứng cử để thực hiện quyền vận động bầu cử theo Kế hoạch của Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành. Người ứng cử ở địa phương nào thì chủ động liên hệ với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp tỉnh nơi đó để biết kế hoạch và lịch tiếp xúc cử tri.

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo