Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Nhân sự Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã mới tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương

Hội nghị mặt trận ngày 20/2.

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 20/2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến góp ý dự thảo hướng dẫn việc kiện toàn Mặt trận cấp huyện, xã sau khi sắp xếp, sát nhập các đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) Vương Văn Nam cho biết, việc sắp xếp, thành lập Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã phải được thực hiện đồng bộ với việc sắp xếp, sáp nhập của đơn vị hành chính cùng cấp. Cụ thể, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp trên trực tiếp hiệp ý, thống nhất với cấp ủy Đảng ở cấp thành lập Ủy ban MTTQ mới (trên cơ sở sáp nhập của các đơn vị cùng cấp) để quyết định thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam lâm thời. Lập và chỉ định danh sách Ủy viên Ủy ban và Ban Thường trực của Ủy ban MTTQ, đồng thời quyết định giải thể Ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, xã thuộc diện phải sáp nhật đơn vị hành chính.

Ủy ban MTTQ lâm thời gồm các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập. Nhân sự, số lượng Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, xã mới sau khi thành lập không vượt quá số lượng theo quy định tại Thông tri số 28/TT-MTTW-BTT. Đối với các đơn vị đặc thù do các xã sáp nhập có nhiều thôn; huyện sáp nhập có nhiều đơn vị cấp xã thì được phép tăng thêm số lượng Ủy viên Ủy ban nhưng không vượt quá 30% so với quy định của Thông tri 28.

Cũng theo hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sau khi sáp nhập, các tổ chức thành viên ở những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới thì các tổ chức thành viên mới đó sẽ là thành viên của MTTQ Việt Nam; đồng thời hiệp thương người đứng đầu của tổ chức thành viên đó tham gia Ủy ban MTTQ cùng cấp. Còn đối với những tổ chức thành viên mà không sáp nhập sau khi sáp nhập đơn vị hành chính thì đương nhiên là thành viên của MTTQ Việt Nam cùng cấp.

Về số lượng Ủy viên Ban Thường trực của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã mới, hướng dẫn nêu rõ, cấp huyện gồm Chủ tịch, từ 1 đến 2 Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực; cấp xã gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực. Số lượng, nhân sự cụ thể do Ban Thường vụ cấp tỉnh chỉ đạo cấp ủy địa phương phân công, sắp xếp, quyết định.

Đối với việc tổ chức Đại hội MTTQ cấp huyện, cấp xã ở các đơn vị hành chính mới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp trên trực tiếp thống nhất với cấp ủy Đảng của đơn vị hành chính mới chỉ đạo tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam để hiệp thương cử Ủy ban và các chức danh trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ khóa mới.

Tại hội nghị, một số ý kiến địa phương cho rằng, số lượng Ủy viên Ban Thường trực của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã mới cần tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, đơn vị, không nên quy định cứng. Thực tế, có những nơi 4 xã nhập thành 1, nếu quy định số lượng cứng thì khó bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đại đoàn kết, vận động nhân dân. Đồng thời, cần xem xét, bố trí công việc phù hợp, giải quyết chế độ, chính sách đối với những trường hợp trong diện dôi dư do việc sáp nhập cũng như những trường hợp có nguyện vọng nghỉ chế độ trước tuổi theo quy định...

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo