Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nhộn nhịp nhiều chương trình nghệ thuật mừng ngày toàn thắng

Các diễn viên của nhạc kịch Tấm Cám. (Ảnh: Buffalo)

(Thanhuytphcm.vn) - Kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017), tại TPHCM, nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật, vui chơi giải trí diễn ra sôi nổi phục vụ người dân vui lễ.

Sôi nổi các chương trình kỷ niệm

Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM (số 4 Phạm Ngọc Thạch, Quận 1) tiếp tục giữ truyền thống “uống nước nhớ nguồn” hàng năm với chương trình giao lưu nghệ thuật chủ đề “Đi giữa tháng 4”. Với những ca khúc: Tiến về Sài Gòn, Sài Gòn quật khởi, Hát mãi khúc quân hành… cùng những thước phim tư liệu về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đặc biệt là hình ảnh về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử,… Các chương trình mong muốn giúp tuổi trẻ TP hôm nay cảm nhận được khí thế tiến quân vũ bão của những chiến sĩ giải phóng quân trong những ngày tháng 4 lịch sử 42 năm về trước. Đây cũng là dịp để các bạn trẻ gặp gỡ các thủ lĩnh tuổi trẻ TP trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước cùng những chứng nhân lịch sử từng tham gia trong 5 cánh quân tiến về Sài Gòn tháng 4/1975.

Tối 30/4, tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 42 năm ngày chiến thắng với chủ đề “Khúc khải hoàn”. Chương trình do Trung tâm Ca nhạc nhẹ - Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM tổ chức, có sự tham gia của những giọng ca được khán giả TP yêu mến: NSƯT Tạ Minh Tâm, NSƯT Thanh Thúy, ca sĩ Đan Trường, Anh Bằng, Thụy Vân, Võ Hạ Trâm, Hiền Thục, Trung Hậu, Thanh Sử, Đàm Vĩnh Hưng; các nhóm Mắt Ngọc, 135, Lạc Việt, Mặt Trời Việt,…

Nối tiếp vào tối 1/5, cũng tại Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là chương trình ca nhạc đặc biệt “Thành phố vươn tới tương lai” chào mừng Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi: anh em NSƯT Giang Quốc Cơ - Giang Quốc Nghiệp của ngành xiếc, NSƯT Vân Khánh, ca sĩ Quang Linh, Kasim Hoàng Vũ, Võ Hạ Trâm, Nguyễn Phi Hùng, Dương Quốc Hưng, nhóm Nhật Nguyệt, MTV,… Cùng thời điểm, tại Khu Công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), cũng diễn ra chương trình ca nhạc “Hát về Thành phố hôm nay” phục vụ công nhân lao động, được truyền hình trực tiếp trên HTV1.

Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM phối hợp với Trung tâm Thương mại Sense Market tổ chức Lễ hội Văn hóa nghệ thuật chào mừng 30/4 - 1/5 tại khuôn viên Trung tâm Thương mại Sense Market (Khu B Công viên 23/9, Quận 1). Vào tối 30/4 sẽ là chương trình nghệ thuật chào mừng ngày thống nhất đất nước với sự tham gia biểu diễn của các ban nhạc Acoustic sinh viên, thể hiện các bài hát ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tuổi trẻ và Bác Hồ. Chương trình còn có sự góp mặt của ca sĩ khách mời Quốc Thiên - giọng ca trẻ được giới trẻ, đặc biệt là sinh viên TP yêu thích.

Tối 1/5 là chương trình biểu diễn nghệ thuật thời trang chủ đề “Thành phố những mùa hoa” giới thiệu bộ sưu tập “Thành phố Trẻ” với 40 mẫu áo dài cổ điển, áo dài cách tân và trang phục hiện đại của nhà thiết kế Việt Hùng; cùng phần trình diễn của các ban nhạc sinh viên. Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM cũng tổ chức hoạt động “Hành trình xe đạp đón đoàn đua Cúp Truyền hình TPHCM 2017” với lộ trình đi qua các tuyến đường trung tâm TP và điểm đến trên đường Lê Duẩn và đón đoàn đua vào đúng trưa 30/4.

Nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật

Sân khấu Hoàng Thái Thanh (139 Bắc Hải, Quận 10) chào mừng 30/4 với một vở kịch “mới toanh” là Đàn ông ơi... anh là ai? (kịch bản, đạo diễn: NSƯT Hạnh Thúy) với sự góp mặt của các diễn viên: Thành Hội, Tuyết Thu, Ái Như, Quang Thảo, Công Danh, Lê Thúy, Thư Quỳnh. Vở diễn lấy bối cảnh ở một xóm trọ bình dân với những mảnh đời khác nhau, mỗi người một tính cách, một câu chuyện tạo nên bức tranh sinh động về cuộc sống. Vở đem đến cảm giác khá gần gũi với người xem khi đa phần người lao động đang sinh sống và làm việc tại TPHCM đều từng quen với cảnh ở trọ. Vở hài kịch nhẹ nhàng về tình yêu và tuổi trẻ này hoàn toàn phù hợp cho việc thư giãn vào ngày lễ.

Cùng với Đàn ông ơi… anh là ai? (suất 16 giờ ngày 30/4), các vở diễn ăn khách của Hoàng Thái Thanh là Mơ trăng bóng nước (kịch bản: Hoàng Thái Thanh - Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn: NSƯT Thành Hội) và Rau răm ở lại (kịch bản, đạo diễn: Thái Kim Tùng), chuyển thể từ truyện ngắn Tình lơ và Cải ơi của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, cũng đến với khán giả trong 2 ngày 29 và 30/4.

Sân khấu IDECAF (28 Lê Thánh Tôn, Quận 1) mặc dù đang tập trung toàn lực cho chương trình “Ngày xửa ngày xưa” 30 (diễn ra vào giữa tháng 5) vẫn ổn định lịch diễn với 2 vở hài kịch vẫn thu hút đông đảo khán giả từ mùa diễn Tết đến nay là: Đời bỗng dưng yêu (kịch bản: Bùi Quốc Bảo, đạo diễn: Vũ Minh) và Tấm Cám (kịch bản: Anh Tuấn, đạo diễn: Hùng Lâm). Đặc biệt, Tấm Cám, phiên bản được nâng cấp từ vở kịch thiếu nhi của chương trình “Ngày xửa ngày xưa” 1 ra mắt từ 17 năm trước, là một hiện tượng của sân khấu kịch TP khi liên tục “cháy vé” kể từ khi trở lại vào đầu năm 2016. Đến nay, mỗi suất diễn Tấm Cám vẫn thấy cảnh hàng dài khán giả xếp hàng chờ mua vé từ rất sớm.

Ngoài ra, tại Nhà hát Bến Thành (số 6 Mạc Đĩnh Chi, Quận 1), Tấm Cám phiên bản nhạc kịch (đạo diễn: Khắc Duy) của nhóm Buffalo cũng trở lại với khán giả vào các ngày 29, 30/4 và 1, 2/5. Câu chuyện cổ tích Việt Nam được trình diễn theo phong cách nhạc kịch Broadway của nhóm bạn trẻ giàu tâm huyết quyết tâm tìm chỗ đứng riêng cho nhạc kịch Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của rất nhiều khán giả trẻ.

Sân khấu Thế giới Trẻ (125 Cống Quỳnh, Quận 1) có kịch mục khá phong phú cho mùa lễ 30/4 - 1/5 với các vở diễn: Tình lá diêu bông, Chúng ta thuộc về nhau, Mẹ chồng rắc rối, Chuyện tình Bangkok, Xóm nghèo bá đạo và Hồn anh xác em. Kịch Hồng Vân có các vở diễn hài kịch và kinh dị - hài: Chuyện kể lúc nửa đêm, Ám ảnh kinh hoàng, Vitamin cười, 2 - 4 - 6 và 3D Cung tâm kế.

Nghệ sĩ ballet người Nhật Fujino Nobuo diễn vai hoàng tử trong vở vũ kịch Cô bé lọ lem của HBSO. (Ảnh: HBSO)

Tối 29/4, tại Nhà hát TPHCM (số 7 Công trường Lam Sơn, Quận 1), Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM (HBSO) tiếp tục mang đến cho khán giả yêu mến nghệ thuật hàn lâm một không gian cổ tích, lung linh kỳ ảo và cũng hài hước, vui nhộn với vở vũ kịch Cô bé lọ lem (âm nhạc: Sergei Prokofiev, biên đạo: Johanne Jakhelln Constant). Đặc biệt, vào vai hoàng tử trong phiên bản Cô bé lọ lem lần này là nghệ sĩ ballet người Nhật Fujino Nobuo, từng tham gia biểu diễn tại nhiều nước trên thế giới, thể hiện vai chính nhiều vở ballet nổi tiếng như Quixote, Giselle, Anna Karenina… Cùng với đó là các tài năng của Đoàn Vũ Kịch HBSO: Trần Hoàng Yến (cô bé lọ lem), Đặng Minh Hiền (Mẹ kế), Phạm Thế Chung (con gái riêng của mẹ kế), Đỗ Hoàng Khang Ninh, Trần Thị Hồng Vân, Hà Khánh Vy, Nguyễn Thu Trang (các nàng tiên)…

Ngọc Tuyết

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo