Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nỗ lực của các y bác sĩ khu cách ly Lữ đoàn Phòng không 77 giúp nhiều bệnh nhân Covid-19 hồi sinh

Bệnh nhân Võ Thị Năm nhận giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly tập trung.

(Thanhuytphcm.vn) - Chỉ có người từng là bệnh nhân tại khu cách ly, điều trị bệnh Covid-19 mới thấu hiểu những vất vả, hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu. Có đến khu cách ly tiếp nhận bệnh nhân F0 tại Lữ đoàn Phòng không 77 (phường Hiệp Thành, Quận 12), ai nấy đều khỏi xúc động trước tình cảm, y đức, trách nhiệm nơi đây.

Trong tiếng còi xe cấp cứu, xe chở bệnh nhân liên tục ra vào, anh Dương Hoàng Dũng, điều dưỡng Khoa cấp cứu Bệnh viện Quận 12, đang làm nhiệm vụ tại đây, chia sẻ: "Ở đây ngoài việc chăm sóc sức khỏe, tiếp nhận, phân chia bệnh nhân về các bệnh viện dã chiến, chúng tôi còn làm thêm nhiều việc để chăm lo cho bệnh nhân, kể cả việc mua đồ hộ. Chạy cả ngày không hết việc, ai cũng cố gắng phục vụ bệnh nhân một cách tốt nhất".

Số lượng F0 nhiều nhưng nhân viên y tế phục vụ có hạn nên hầu hết công việc, từ vận chuyển vật dụng, nước uống, lương thực thực phẩm…, các y bác sĩ đều xắn tay làm. Họ chạy nhiều hơn đi, lấy từng hộp cơm, viên thuốc để đưa tới bệnh nhân sớm nhất. Kể cả nửa đêm, khi bệnh nhân cần thăm khám, họ cũng nhanh chóng có mặt tại giường bệnh. Những nhân viên y tế trực tiếp điều trị cho bệnh nhân mặc nhiên đều là F1 và nguy cơ bị lây nhiễm rất cao, song họ vượt lên tất cả, vẫn làm hết sức mình vì bệnh nhân.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người, nhất là những người lớn tuổi và có bệnh lý nền. Đó cũng là điều trăn trở của các y bác sĩ. Có không ít trường hợp thể hiện rõ đặc điểm “Sâu y lý - Giỏi y thuật - Giàu y đức” của các y bác sĩ. Ngày 16/8, khu cách ly tiếp nhận bệnh nhân Võ Thị Năm, 90 tuổi, ngụ ở tổ 2 khu phố 2A, phường Đông Hưng Thuận. Bệnh nhân lúc đó ở trong tình trạng khó thở, tiền căn đau dạ dày nên không ăn uống được, sức khỏe bị suy kiệt. Tuy nhiên, với sự chăm sóc tận tình, chu đáo, sau một thời gian điều trị, bà đã hoàn toàn khỏe mạnh, ăn uống tốt và được xuất viện vào ngày 6/9. “Các y bác sĩ chăm sóc và xem cả gia đình tôi như người nhà, tôi cảm ơn nhiều lắm, ơn này không bao giờ tôi quên” - bà Năm rưng rưng nói lời cảm ơn khi xuất viện.

Vất vả là thế, cũng đã xa gia đình lâu ngày, tiếng con nhỏ gọi điện thoại bảo nhớ ba nghe xót xa, nhưng ai nấy gần như không biết mệt, không lời than vãn. “Ai cũng sợ nặng nhọc, không dám hy sinh, thì ai chống dịch đây?”, bác sĩ Lê Hải Đăng (Trung tâm Y tế Quận 12) - chia sẻ.

Tiếng loa thông báo xét nghiệm, gọi nhận thuốc, nhận cơm, nhắc nhở nền nếp sinh hoạt… đã trở thành âm thanh quen thuộc của các bệnh nhân, họ còn nhận ra giọng của nào là “bác” Đăng, của “bác” Dũng... Cứ thế, trong những ngày điều trị, nơi đây như một ngôi nhà thứ hai, vui vẻ, thân ái, ai về cũng nhớ. Nhớ nhất là liều thuốc tinh thần mà các y bác sĩ mang lại, bằng sự động viên, chia sẻ, yêu thương.

Như để đền đáp những hy sinh cao cả đã giành lại mạng sống cho mình, đã có không ít bệnh nhân khỏi bệnh tình nguyện ở lại giúp lực lượng tuyến đầu trong công tác vận chuyển bệnh nhân nặng, dọn phòng, thu gom rác...

"Chống dịch như chống giặc", đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu của Quận 12 vẫn đang khẩn trương, miệt mài làm việc với hy vọng sức khỏe của tất cả bệnh nhân ngày một cải thiện, sớm ra viện để trở về cuộc sống bình thường. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng luôn đặt sự an toàn của người bệnh lên trên hết và từ đó hành động theo mệnh lệnh từ trái tim người thầy thuốc của nhân dân.

Thái Tám


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo