Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Nỗi niềm làng nghề truyền thống ở Củ Chi

Làng nghề đan lát xã Thái Mỹ hiện đang mai một dần, phần lớn những người theo nghề là phụ nữ nhưng đã lớn tuổi

(Thanhuytphcm.vn) - Tồn tại hơn 100 năm, làng nghề đan lát xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi xưa kia được xem là cái nôi của các sản phẩm được làm từ tre, trúc. Các sản phẩm không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang nước ngoài, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn đang dần làm cho những làng nghề này đang dần mai một.

Khó duy trì do thu nhập thấp

Ông Dương Văn Dân, Trưởng ấp Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ, cho biết vào những năm 2000 trở về trước, toàn địa bàn xã Thái Mỹ có 7 ấp và mỗi ấp là một làng nghề đan lát với một sản phẩm đặc trưng như ấp Mỹ Khánh A, Mỹ Khánh B chuyên sản xuất nia; ấp Bình Thượng 1, Bình Thượng 2 làm thúng, sọt tre; ấp Bình Hạ Đông, Bình Hạ Tây làm dần, sàn; ấp Tháp làm rổ, rá... Nghề đan lát vốn dĩ không khó nên từ già tới trẻ đều làm được, từ đó hình thành nên làng nghề đan lát xã Thái Mỹ với khoảng 1.800 hộ và 4.000 lao động theo nghề vào thời kỳ cao điểm.

Theo lời bà Lê Thị Gái (64 tuổi), ngụ xã Thái Mỹ, trước đây tre, trúc mọc khắp nơi, nhà nhà đều trồng khiến tre, trúc bao quanh rợp mát cả một vùng. Tận dụng nguyên liệu sẵn có, nên vào những lúc nông nhàn, người dân đã làm nên những dụng cụ phục vụ cho nghề nông, cho cuộc sống thường nhật rồi dần trở thành nghề truyền thống của cả làng. Mặt khác, do đặc điểm đất ở xã nhiễm phèn, nhiễm mặn khiến năng suất lúa không cao, người dân xã Thái Mỹ phải đan lát thêm để tăng thu nhập…

Nhưng bắt đầu từ những năm 2010 trở lại đây, do giá trị kinh tế mang lại không cao, nhu cầu thị trường chủ yếu chuộng những sản phẩm tiện dụng làm từ nhựa, nhôm, inox… nên số người gắn bó với nghề ngày càng ít. Mặc khác, do quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh chóng cũng khiến nguyên liệu đầu vào như tre, trúc, mây không đáp ứng đủ, giá cả đầu ra sản phẩm thấp nên thanh niên trong làng không còn gắn bó với nghề.

“Cả ấp Mỹ Khánh A có 800 hộ dân nhưng chỉ còn khoảng 300 hộ dân còn duy trì nghề này nhưng không còn sản xuất chuyên một sản phẩm ở mỗi ấp như trước. Do việc tạo ra một sản phẩm mất rất nhiều thời gian, công đoạn nên hiện nay hầu hết các hộ chỉ thực hiện đan sản phẩm thô, hoặc thực hiện một vài công đoạn, sau đó các cơ sở đầu mối sẽ thu gom đem về hoàn chỉnh thành phẩm để đưa ra thị trường tiêu thụ”, ông Dương Văn Dân cho hay.

Ở Củ Chi, ngoài làng nghề đan lát ở xã Thái Mỹ, còn có làng nghề bánh tráng ở xã Phú Hòa Đông. Tuy làng nghề này được đánh giá khả quan hơn so với nghề đan lát nhờ có thị trường tiêu thụ nhưng không phải là không có những khó khăn. Theo chị Nguyễn Thị Kiều Nga (45 tuổi), ngụ ấp Phú Bình, xã Phú Hòa Đông, theo nghề làm bánh tráng từ nhỏ, thì thu nhập trung bình của vợ chồng chị khoảng 300.000 đồng/ngày, nhưng mỗi ngày hai vợ chồng phải làm từ 3 giờ sáng tới 3 giờ chiều với khoảng 2 thiên bánh. Tuy nhiên, gặp phải hôm thời tiết xấu thì đành trắng tay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để giữ gìn làng nghề đan lát truyền thống, UBND và Hội LHPN xã Thái Mỹ đã có nhiều nỗ lực như vận động người dân trồng tre, trúc, hỗ trợ vay vốn mua nguyên liệu, giới thiệu đầu ra… Tuy nhiên, như lời bà Dương Thị Gái (72 tuổi) làm nghề đan lát chia sẻ: “Tôi nghĩ nghề này sẽ mất dần, khó duy trì được do thu nhập thấp, trung bình mỗi người chỉ kiếm được khoảng 50.000 đồng/ngày, trong khi thị trường tiêu thụ hẹp dần. Vì thế mà người trẻ không còn mặn mà, già như chúng tôi dẫu có muốn giữ gìn cũng chẳng còn bao năm nữa”.

Gắn kết du lịch - Hướng đi cho làng nghề truyền thống

Cùng với các làng nghề truyền thống này, huyện Củ Chi có nhiều tài nguyên du lịch như địa đạo Củ Chi, địa đạo Bến Dược, Bến Đình; làng nghề Một thoáng Việt Nam, Khu du lịch người dân tộc thiểu số cùng các sản phẩm du lịch sinh thái vườn… nhưng lại thiếu các sản phẩm du lịch đặc thù, có tính cạnh tranh.

Hiện nay, tuyến tham quan du lịch chính của Củ Chi là Địa đạo Bến Đình, Bến Dược, xuất phát từ trung tâm TPHCM theo lộ trình Quốc lộ 22 - Tỉnh lộ 15 - đường Nguyễn Thị Rành - điểm tham quan và ngược lại. Xã Phú Hòa Đông có lợi thế nằm ở trục đường Tỉnh lộ 15 rất thuận tiện trong việc xây dựng trạm dừng chân cho du khách mua sắm, nghỉ ngơi trước khi đến với điểm tham quan chính. Vì vậy, nếu đẩy mạnh việc phát triển 2 làng nghề truyền thống đan lát và làm bánh tráng nói trên sẽ góp phần đa dạng nguồn tài nguyên du lịch địa phương, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, góp phần quảng bá và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề. Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, thỉnh thoảng vẫn có các đoàn khách trong và ngoài nước liên hệ địa phương kết nối với các làng nghề này để tham quan, ghi hình làm tư liệu, điều đó cho thấy nơi đây được đánh giá là địa điểm thú vị được du khách quan tâm tìm hiểu nghiên cứu, hứa hẹn những khởi sắc hơn cho làng nghề, nếu được đầu tư bài bản…

Nghề bánh tráng xã Phú Hòa Đông nếu được đầu tư bài bản, gắn với phát triển du lịch, hứa hẹn những khởi sắc cho làng nghề Nghề bánh tráng xã Phú Hòa Đông nếu được đầu tư bài bản, gắn với phát triển du lịch, hứa hẹn những khởi sắc cho làng nghề

Gắn kết với du lịch là một trong những giải pháp căn cơ để bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề một cách hiệu quả, bởi nó huy động được nguồn nhân lực tại chỗ, khơi gợi ý thức của người dân, phát huy tính chủ động, tạo công ăn việc làm và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua du lịch, các làng nghề sẽ được bảo tồn và phát triển một cách hiệu quả, ngược lại, nhờ có làng nghề, các sản phẩm du lịch sẽ phong phú và đa dạng hơn, thu hút khách tham quan nhiều hơn.

Nhật Nam - Anh Huy

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo