Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Phát triển đào tạo nghề phải theo chuẩn mực chất lượng quốc tế

Thủ tướng tham quan các gian hàng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 16/11, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội, lần đầu tiên, Diễn đàn “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Có chủ đề: “Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”, đây là diễn đàn lớn nhất từ trước tới nay trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp với nội dung về kỹ năng lao động Việt Nam. Tham dự còn có Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và hơn 1.500 đại biểu là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có sử dụng nhiều nhân lực, các chuyên gia về giáo dục...

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) Đào Ngọc Dung cho biết, diễn đàn nhằm lan tỏa thông điệp “muốn phát triển bền vững và bao trùm cần quan tâm phát triển kỹ năng, việc làm thỏa đáng và nền an sinh bền vững cho con người và doanh nghiệp đồng hành với nhà trường tạo đột phá về quy mô và chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”. “Trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của cuộc cách mạng 4.0, của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của mình khi robot thay thế con người. Do đó, công việc của chúng ta phải thay đổi, nhất là ngành nghề thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, cơ khí điện tử…”, ông Đào Ngọc Dung nói.

Tại Việt Nam, hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đã có hàng chục trường nghề có chương trình đào tạo nghề đạt chuẩn kiểm định uy tín của Mỹ, Anh, Pháp; 25 trường được công nhận đủ điều kiện đào tạo 12 nghề chuyển giao từ Australia; 45 trường được công nhận đủ điều kiện đào tạo 22 nghề chuyển giao từ Đức và những trường này được cấp 2 bằng để các học viên tốt nghiệp tham gia thị trường trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Do đó, Chính phủ rất cần các chuyên gia tham gia tư vấn phát triển các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, nâng cao kỹ năng của nguồn nhân lực Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các ý kiến phát biểu tại diễn đàn đều khẳng định vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, về đào tạo nghề nghiệp gắn với doanh nghiệp theo địa chỉ đặt hàng và thị trường lao động. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, giáo dục nghề nghiệp cần có sự chung sức giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng cần coi doanh nghiệp là động lực chính phát triển đào tạo nghề. Doanh nghiệp cần 5 đồng hành với các trường: tham gia đầu tư, mở trường; đặt hàng; tham gia giảng dạy, đào tạo; thẩm định đầu ra; tuyển dụng.

Phát biểu kết luận diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: nguồn lực phát triển đất nước ta không phải là rừng vàng biển bạc, cái chính là gần 100 triệu người Việt Nam. “Kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia phát triển cho thấy khi các điều kiện khác không thay đổi thì nhân lực có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao, đóng góp vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo năng suất lao động vượt trội, thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cùng anh Trương Thế Diệu, người đoạt Huy chương Bạc trong Kỳ thi tay nghề thế giới và các đại biểu dự diễn đàn Thủ tướng cùng anh Trương Thế Diệu, người đoạt Huy chương Bạc trong Kỳ thi tay nghề thế giới và các đại biểu dự diễn đàn

Thủ tướng cũng chỉ ra những khuyết điểm trong giáo dục nghề nghiệp: tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ nói chung còn thấp. Việt Nam có số lao động đứng thứ 3 ASEAN nhưng lực lượng lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo mới đạt trên 22%, chỉ bằng 1/3 Hàn Quốc, Singapore. Cơ cấu lao động qua đào tạo, xu hướng chuyển dịch có sự bất hợp lý, vẫn còn phổ biến tình trạng thiếu thầy, thiếu cả thợ chứ không phải “thừa thầy, thiếu thợ”. Vẫn còn tâm lý của cha mẹ là con mình không vào được đại học thì mới học nghề. Nhiều người làm trái ngành nghề. Mạng lưới cơ sở dạy nghề của nước ta “vá víu”, manh mún... Việt Nam có quy mô dân số đứng thứ 13, 14 trên thế giới, có quy mô nền kinh tế đứng thứ 37, 38 nhưng chúng ta chưa vào được TOP 50 thế giới về đào tạo nghề nghiệp.

Do đó, Thủ tướng đề nghị giáo dục nghề nghiệp phải bám sát hơn nữa vào nhu cầu thực tiễn của thị trường, bảo đảm hài hòa cung cầu về lao động có kỹ năng nghề. Phát triển đào tạo nghề với chuẩn mực chất lượng quốc tế để đáp ứng yêu cầu cao các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nâng cao tính dự báo, nắm bắt nhanh nhạy và dự báo sớm được nhu cầu nhân lực kỹ năng cao của doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn tới để định hướng hợp tác doanh nghiệp, nhà trường. “Đừng đào tạo thứ người ta không cần”, Thủ tướng nói.

Dẫn lời dạy của ông cha: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, “Của bề bề không bằng có nghề trong tay”, “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”... Thủ tướng nêu rõ, sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp là sự nghiệp có ảnh hưởng đến thành bại của công cuộc phát triển một quốc gia trong quá trình chuyển đổi.

Tại diễn đàn, Thủ tướng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho anh Trương Thế Diệu, người đoạt Huy chương Bạc trong Kỳ thi tay nghề thế giới vừa qua.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo