Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại phiên thảo luận

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 22/10, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khoá XV, Quốc hội tổ chức phiên thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 và việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

BHXH có nhiều vấn đề bất cập, hạn chế

Tại thảo luận tại tổ, đa số các đại biểu cho rằng cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, đặc biệt là nhóm đối tượng người lao động ở khu vực phi chính thức, nhóm tham gia BHXH tự nguyện và người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; hạn chế hưởng BHXH một lần; có giải pháp để bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động, không để tình trạng người lao động không được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) do yếu tố khách quan. Trong trường hợp cần thiết, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. 

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ cho rằng: Thời gian qua thực hiện chính sách BHXH có nhiều vấn đề bất cập, tồn tại hạn chế, có cả việc khởi tố, truy tố, xử lý nhiều cán bộ vi phạm làm giảm lòng tin trong Nhân dân đối với việc quản lý, điều hành quỹ BHXH. Do đó, cần sớm tiến hành tổng kết việc thi hành Luật BHXH để kip thời đề xuất sửa đổi, khắc phục những tồn tại, vướng mắc như hiện nay.

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Lệ, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình thực tế đời sống thu nhập gặp nhiều khó khăn, dự báo số người hưởng BHXH 1 lần sẽ tăng cao, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH. Nếu không có sự chuyển đổi trong thời gian tới, số lượng người già, số người khi hết tuổi lao động không được hưởng BHXH là rất lớn, tạo áp lực, gánh nặng cho gia đình, xã hội, tác động tiêu cực đến chính sách an sinh xã hội trên địa bàn TP.

Về công tác thu, nợ BHXH, ĐB Nguyễn Thị Lệ kiến nghị Quốc hội sửa đổi bổ sung quy định của Luật BHXH. Cụ thể cần nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng bỏ quy định tính lãi chậm nộp thay bằng quy định mức tiền phạt chậm nộp theo ngày bằng 200% mức lãi suất cho vay của Ngân hàng thương mại, vừa đảm bảo công bằng cho các đơn vị khi tính tiền phạt chậm nộp theo ngày, nếu sau 30 ngày mà đơn vị không nộp thì tiếp tục tăng mức phạt này lên 300%. Sau 60 ngày mà đơn vị vẫn cố tình không nộp thì chuyển cơ quan Công an khởi tổ hình sự. “Nếu quy định này được áp dụng thì sẽ làm giảm rất nhiều tình trạng chiếm dụng số tiền nộp BHXH của các đơn vị sử dụng lao động mà không bị tính lãi như hiện nay.”- ĐBQH Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến ĐB cũng đề nghị đưa hành vi mua bán sổ BHXH vào xử lý hình sự nhằm tăng cường tính răn đe và kịp thời ngăn chặn những đối tượng có ý định, hành vi nhằm mục đích trục lợi trong việc hưởng BHXH. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện.

Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nhất là y tế cơ sở

Đối với BHYT, một số đại biểu cho rằng: Việc cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đôi khi chưa kịp thời; việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT còn có thể đạt kết quả tốt hơn nếu có cơ chế đăng ký mua thẻ BHYT linh hoạt và đơn giản hơn như mua BHYT qua ứng dụng VssID cho người thân và giảm bớt các yêu cầu về giấy tờ như hộ khẩu, thẻ tạm trú…

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ cho rằng việc tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) của người tham gia BHYT ngày càng thuận lợi, người tham gia BHYT được đến tất cả các tuyến y tế cơ sở theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe và bệnh tật, không phân biệt cơ sở y tế công lập hay tư nhân. Công tác chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh... giúp cho nhiều kỹ thuật ở bệnh viện tuyến Trung ương trở thành thường quy, được thực hiện ở bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương nên tỉ lệ chuyển tuyến lên Trung ương đã giảm đáng kể.

Quang cảnh phiên thảo luận Quang cảnh phiên thảo luận

Tuy nhiên quá trình thực hiện Luật cũng thể hiện nhiều bất cập như: Sự thiếu rõ ràng của một số văn bản hướng dẫn thi hành luật; chất lượng KCB chưa đáp ứng nhu cầu của Nhân dân; một số vấn để phát sinh khi các quy định liên quan chưa đồng bộ, quy định về thông tuyến KCB BHYT chưa thực sự bao quát, mới chỉ quy định thông tuyến đối với bệnh viện, phòng khám đa khoa, trạm y tế xã, phường, thị trấn mà không đề cập đến các loại hình KCB tuyến huyện khác như bệnh xá quân đội, công an, bệnh xá quân dân y, y tế cơ quan đơn vị; mức đóng chưa tương xứng với mức hưởng; một số quy định chưa cụ thể dẫn đến việc khó hướng dẫn triển khai thực hiện…

Do đó, ĐBQH Nguyễn Thị Lệ đề nghị Quốc hội sửa Luật BHYT nhằm thống nhất đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHYT ở nhóm người làm việc theo Hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; thống nhất về mức tiền lương đóng BHYT với BHXH đối với trường hợp người lao động đồng thời có từ 2 HĐLĐ trở lên với nhiều đơn vị khác nhau; xem xét giao cho cơ quan BHXH chức năng thanh tra toàn diện, bao gồm cả thanh tra đóng, thanh tra chi BHXH, BHYT. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Đối với Chính phủ, ĐBQH Nguyễn Thị Lệ đề nghị sửa đối Nghị định 146/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT đổi với cơ quan BHXH và các cơ sở KCB, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành chính sách phù hợp để bảo đảm quyển, lợi ích của người bệnh.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính theo hướng đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua hình thức hỗ trợ tham gia BHYT. Thực hiện quy định giá dịch vụ y tế thống nhất theo hạng bệnh viện và theo lộ trình tính đúng, tính đủ, để từng bước đổi mới cơ chế tài chính, thúc đẩy các cơ sở y tế nâng cao chất lượng, đồng thời đảm bảo tính công bằng giữa các cơ sở y tế; đổi mới phương thức thanh toán, bảo đảm cân đối thu - chi Quỹ BHYT, quản lý và sử dụng Quỹ BHYT có hiệu quả.

Một số đại biểu đề nghị rà soát mức giá dịch vụ y tế quy định tại Thông tư 13/2019/TT-BYT, các dịch vụ được xếp tương đương về giá và chi phí thực hiện, để điều chỉnh mức giá chưa phù hợp, bổ sung danh mục về điều kiện thanh toán dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế theo chế độ BHYT; sớm ban hành danh mục dịch vụ tương đương về kỹ thuật và giá; xây dựng tiêu chí chất lượng dịch vụ theo định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn chuyên môn và điều kiện thực tế xây dựng tiêu chí chỉ định vào điều trị nội trú, điều trị nội trú ban ngày. Bên cạnh đó, đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính nhằm thúc đẩy y tế cơ sở và bác sỹ gia đình phát triển, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu; tăng tỷ lệ thực hiện liên thông dữ liệu KCB BHYT trong ngày; tiếp tục nâng cao chất lượng KCB để đảm bảo nhu cầu của người dân.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo