Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Quy hoạch lại mạng lưới đại học để nâng cao chất lượng đào tạo

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 12/6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH).

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 31 điều; bổ sung 2 điều mới; bãi bỏ 1 điều và 1 khoản; bao quát hầu hết các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đối với Luật GDĐH năm 2012, các nội dung này đã được tích hợp trong 4 chính sách cần sửa đổi, bổ sung của Dự án Luật, theo hướng xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đúng theo Nghị quyết số 34/2017/QH14 nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, bức xúc của GDĐH hiện nay.

Trong đó, đáng chú ý nhất là dự thảo mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở GDĐH phát huy tối đa nội lực trong thực hiện tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế. Theo đó, đại học được tăng tính tự chủ trong hoạt động chuyên môn; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính, tài sản.

Cũng theo dự thảo, hệ thống cơ sở GDĐH gồm đại học, trường đại học để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay ở Việt Nam. Hệ thống sẽ được phân thành hai loại: cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu và cơ sở GDĐH định hướng ứng dụng, căn cứ vào định hướng, mục tiêu, kết quả đào tạo, nghiên cứu của các cơ sở GDĐH. Thời gian học đại học có thời gian từ 3-5 năm (so với trước đây là 4-6 năm) để phù hợp hơn với thực tiễn và phân biệt rõ hơn chương trình đào tạo cử nhân và chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù của một số ngành (đào tạo bác sĩ, kỹ sư…).

Đáng chú ý, về quản lý tài chính, tài sản, luật sửa đổi để chuyển quy định về học phí sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo, phù hợp với Luật giá, Luật Phí và Lệ phí. Theo đó, các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện do các cơ quan nhà nước quy định khung giá. Các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước, cơ sở GDĐH tự chủ quyết định mức giá dịch vụ, công bố công khai cho từng năm học, khoá học cùng với thông báo tuyển sinh.

Thảo luận về dự án luật này, rất nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng Dự thảo Luật GDĐH cần được sửa một cách toàn diện, vì thế cần thiết nên có thêm thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo. Hầu hết các ĐBQH đều cho nhấn mạnh đến việc sửa luật GDĐH lần này phải bảo đảm quy hoạch lại mạng lưới GDĐH, không để có đến 200.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp như hiện nay. Việc giao tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH là đúng nhưng phải có sự kiểm soát, không để tình trạng các trường cứ mở, cứ đào tạo nhưng không bảo đảm chất lượng. Do đó, cần quy định chặt chẽ việc mở ngành của các trường ĐH.

Theo ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam), dù mấy năm qua không còn tình trạng “bùng nổ” trường ĐH nhưng theo thống kế, đến năm 2020 vẫn vượt chỉ tiêu quy hoạch là 9 trường ĐH. “Việc phát triển không theo quy hoạch này tác động không nhỏ đến chất lượng đào tạo, do đó luật cần quy định về quy hoạch hệ thống các trường ĐH”, ĐB Phùng Đức Tiến nêu.

ĐB Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cũng cho rằng, cần tăng số lượng và chất lượng các trường tư thục, giảm trường công kém chất lượng. Đồng thời sáp nhập hoặc giải thể những trường yếu kém. “Quân tâm quy hoạch lại mạng lưới GDĐH, quan tâm chăm lo đến các  trường tư thục không vì lợi nhuận, nhưng cũng không được thương mại hóa giáo dục”, ĐB Triệu Thế Hùng nói. Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề nghị sửa luật lần này cũng cần bảo đảm rõ cơ chế, hàng lang pháp lý để sắp xếp, quy hoạch lại hệ thống các trường đại học, giảm mạnh các trường công lập, phát triển các trường đại học ngoài công lập. Bảo đảm tự chủ ĐH nhưng lại không được thương mại hóa GDĐH.

ĐB Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cũng cho rằng, cần khắc phục tình trạng mở quá nhiều trường, rà soát lại các điều kiện mở ngành, có quy định riêng với một số ngành nghề đặc biệt. Về vấn đề tài chính và đầu tư cho ĐB, ĐB Nguyễn Thị Lan cho rằng, nhà nước vẫn cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ đào tạo một số ngành đặc thù, ngành khó xã hội hóa cấp kinh phí thông qua hình thức đặt hàng; tự chủ không có nghĩa là để trường đại học tự lo…

Tình trạng dạy chay, học chay, đào tạo không gắn thực tế cũng được các ĐBQH chỉ ra, dẫn tới tình trạng sinh viên ra trường thì thất nghiệp còn doanh nghiệp thì vẫn thiếu lao động. “Đào tạo phải làm sao không còn chuyện ra trường phải đào tạo lại sinh viên”, ĐB Phùng Đức Tiến nói.

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo