Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Sân khấu TPHCM: Tết là mùa vui!

Tình yêu tướng cướp - vở cải lương mang màu sắc hình sự rất thú vị của mùa diễn Tết 2018.

(Thanhuytphcm.vn) - Các sân khấu của TP đều đã kết thúc mùa diễn Tết 2018 và như mọi năm, đây là “mùa vui” của người làm sân khấu lẫn người yêu sân khấu TP.

Kịch Tết thắng lớn

Năm nay, với xu hướng “giảm lượng tăng chất”, các sân khấu kịch xã hội hoá của TP đều thu được kết quả rất tích cực trong mùa diễn Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Sân khấu IDECAF chỉ tập trung cho điểm diễn tại địa chỉ 28 Lê Thánh Tôn (Quận 1) khi điểm diễn số 7 Trần Cao Vân - Nhà Thiếu nhi Quận 1 ngừng hoạt động để xây mới. Thay vì 4 - 5 vở diễn mới như mọi năm, kịch mục Tết 2018 của IDECAF chỉ có 3 tác phẩm, gồm 2 kịch bản mới là Thám tử si tình và Bởi vì ta yêu nhau, cùng vở diễn ăn khách bậc nhất trong năm 2017 là Ngôi nhà không có đàn ông. Tuy nhiên, với phong cách biểu diễn hiện đại và sức hút từ lực lượng diễn viên tài năng hùng hậu, IDECAF vẫn là lựa chọn ưu tiên của khán giả yêu thích sân khấu TP khi vé các suất diễn xuyên suốt từ mùng 1 đến mùng 10 Tết (3 suất/ngày) đều đã bán từ trước Tết.

Tương tự, Sân khấu Thế giới Trẻ (125 Cống Quỳnh, Quận 1) cũng là điểm đến thu hút của khán giả kịch, đặc biệt là khán giả trẻ. Đạo diễn Ngọc Hùng cho biết từ năm 2013, vở hài kịch Chuyện tình Bangkok ra mắt đã chinh phục khán giả gần xa, tạo bước tiến lớn cho Sân khấu Thế giới Trẻ khi lượng khán giả “tăng đột biến”. Với định hướng phát triển rõ ràng: đầu tư kịch bản mang phong cách trẻ trung, hiện đại, đa dạng đề tài và liên tục phát hiện, tạo cơ hội diễn xuất cho những gương mặt mới, Sân khấu Thế giới Trẻ thu hút lượng khán giả thanh niên ngày càng đông. “Trong năm 2017, Sân khấu Thế giới Trẻ cũng đã đầu tư cải thiện cơ sở vật chất tiện nghi hơn, khán phòng được tăng thêm 50 ghế. Rất vui là các suất diễn Bao giờ mẹ lấy chồng, Tình kỹ nữ, Sứ giả thiên đường, Thiên hà hội tụ trong Tết đều kín ghế, kê thêm cả ghế súp, vé 3 ngày mùng 1, 2 và 3 đã được bán hết từ trước Tết”, đạo diễn Ngọc Hùng cho biết. Đáng mừng hơn nữa là đề tài kinh dị đã không còn xuất hiện trong mùa diễn Tết khi các vở diễn tâm lý xã hội gần gũi đời sống giới trẻ ngày càng nhận được sự yêu thích và đồng cảm.

Chuyên tâm theo đuổi dòng kịch tâm lý xã hội đậm tính nhân văn, Sân khấu Hoàng Thái Thanh (139 Bắc Hải, Quận 10) khá “kén” khán giả cũng đã có một mùa diễn Tết thành công với hai vở diễn mới là Sài Gòn có một ngã tư và Giấc mộng vàng son. Ngoài ra, các vở diễn cũ như Nửa đời ngơ ngác, 29 anh về, Bao giờ sông cạn, Rau răm ở lại…, có những vở đã 7 - 8 năm tuổi, vẫn thu hút khán giả, nhất là những khán giả Việt kiều về quê ăn Tết. Đạo diễn Ái Như cho biết Sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng mừng sinh nhật vào ngày 14/2, trùng vào dịp Tết nên khán giả đã đến ủng hộ và chung vui rất đông trong 2 suất diễn Sài Gòn có một ngã tư và Giấc mộng vàng son.

Phước Lộc Thọ luôn được tái diễn vào mỗi dịp Tết và vẫn luôn được khán giả cải lương ủng hộ nhiều năm qua. Phước Lộc Thọ luôn được tái diễn vào mỗi dịp Tết và vẫn luôn được khán giả cải lương ủng hộ nhiều năm qua.

Các sân khấu: Kịch Sài Gòn, Kịch Hồng Vân, Kịch Trịnh Kim Chi, Nhà hát Kịch TPHCM… cũng đều có một mùa diễn Tết thật vui vẻ.

Tín hiệu vui từ sân khấu cải lương

Có thể khẳng định đây là mùa diễn Tết vui nhất của sàn diễn cải lương trong 5 năm trở lại đây khi Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã nỗ lực sáng đèn liên tục từ mùng 2 đến mùng 10 Tết. Dù các vở diễn không mới, đã ra mắt khán giả từ nhiều năm nhưng sự đa dạng màu sắc, không khí vui tươi, sum họp rất thích hợp thưởng thức trong dịp Tết khiến các vở tuồng Đả chiến phá sông Ngân, Phước Lộc Thọ, Truyền thuyết hồ đoạt mệnh, Tình yêu tướng cướp, Rể quý… đều thu hút khá đông khán giả. Trong đó, có thể thấy được thị hiếu khán giả cải lương hiện nay vẫn thiên về những vở tuồng cổ trang, màu sắc như Phước Lộc Thọ, Đả chiến phá sông Ngân, hay Truyền thuyết hồ đoạt mệnh với trang phục rực rỡ, âm nhạc sinh động, vũ đạo hấp dẫn hơn là những vở diễn khai thác đề tài xã hội hiện đại.

Góp mặt xuyên suốt các vở diễn tại Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo trong dịp Tết, nghệ sĩ Điền Trung chia sẻ: “Hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ chính là tình cảm, sự ủng hộ của khán giả mộ điệu. Tết năm nay, sân khấu cải lương đã lại sáng đèn, vẫn được đông đảo bà con ủng hộ. Qua các suất diễn Tết vừa qua, nghệ sĩ chúng tôi nhận ra rằng khán giả vẫn thích xem nguyên vở cải lương với tuồng tích đàng hoàng hơn là chương trình tổng hợp chắp vá các tiết mục. Đây là tín hiệu đáng mừng khi các giá trị thực sự của sân khấu cải lương đang dần được tìm lại, cũng là động lực để nghệ sĩ, người làm cải lương chúng tôi nỗ lực hơn nữa để có những kịch bản hay, những vở tuồng chất lượng, đáp ứng kỳ vọng và lấy lại niềm tin của khán giả mộ điệu”.

Năm 2018 hứa hẹn một năm nhiều khởi sắc của sân khấu cải lương lẫn sàn diễn kịch TP khi các đơn vị nghệ thuật chuẩn bị những tác phẩm tốt nhất cho 2 kỳ hội diễn toàn quốc diễn ra trong năm.

Ngọc Tuyết

 

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo