Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình

Sắp xếp bộ máy phải có bước đi phù hợp, thận trọng

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình

(Thanhuytphcm.vn) – Cuối phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chiều 7/11, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã báo cáo làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Đánh giá chất lượng đội ngũ công chức, viên chức chưa thực chất

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh, thời gian qua Chính phủ đã nỗ lực trong việc sắp xếp, tổ chức kiện toàn tổ chức hành chính Nhà nước và cải cách chế độ công vụ, công chức. Bước đầu đã đạt những kết quả tích cực.

Tuy nhiên vẫn còn một số  một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước. Một số lĩnh vực chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả, hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập còn cồng kềnh, phân tán; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn yếu kém về phẩm chất, năng lực, chưa làm tròn, chức trách nhiệm vụ được giao. “Đặc biệt, còn tình trạng tham nhũng vặt, công tác thực thi chính sách pháp luật chưa hiệu quả, vẫn còn sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm. Trong khi đó, việc xử lý sai phạm chưa nghiêm, công tác đánh giá chất lượng đội ngũ công chức, viên chức chưa thực chất, số liệu chưa thuyết phục. Chính phủ cũng đã nắm được và đang từng bước có giải pháp xử lý”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nói.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tới đây Chính phủ sẽ có giải pháp giải quyết hàng loạt vấn đề ĐBQH nêu như văn bằng, chứng chỉ trong tuyển dụng; xử lý các vi phạm trong hoạt động công vụ; xử lý cán bộ sau khi nghỉ hưu; xử lý các sai phạm trong quản lý cán bộ, bổ nhiệm, đề bạt người thiếu tiêu chuẩn, sai quy trình.

Phó Thủ tướng nêu quan điểm, vấn đề sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh giản biên chế theo hướng thu gọn đầu mối là vấn đề liên quan đến tổ chức, con người và rất phức tạp, do phải giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại. Nhưng Chính phủ xác định phải làm từng bước thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa lắng nghe theo ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động để có giải pháp đúng, đồng thời cũng phải đảm bảo hợp tình hợp lý, cá biệt có những vấn đề phải hợp đạo lý.

“Cải tiến bộ máy, tinh giản biên chế không phải là vấn đề mới trong các giai đoạn phát triển của đất nước, chúng ta đã tiến hành một số lần nhưng vấn đề này chưa bao giờ là dễ dàng. Chính phủ xác định đây là vấn đề khó khăn, phức tạp nên phải có bước đi phù hợp, thận trọng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

Quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết

Cũng trong chiều 7/11, tham gia “chia lửa” ở phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về vấn đề biên chế giáo viên,  Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết thời gian qua, Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đã có nhiều cuộc làm việc và đã làm việc với địa phương để giải quyết vấn đề biên chế giáo viên. Tới đây, Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ sẽ phối hợp để xây dựng nghị quyết tham mưu cho Chính phủ về biên chế giáo viên có lộ trình, giảm và tăng phải hợp lý, có tính đến định biên giáo viên khác nhau giữa các vùng miền. Trên cơ sở đó các địa phương có căn cứ để triển khai thực hiện. Giáo dục là ngành rất đặc thù, đội ngũ giáo viên đông với nhiều đặc điểm nghề nghiệp, vì vậy, hai Bộ sẽ phải tiếp tục có những giải pháp nhằm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết những vấn đề còn đang vướng mắc.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nêu quan điểm cần đổi mới về tuyển dụng, đặc biệt liên quan đến nâng hạng, tiêu chuẩn nghề nghiệp, quy định liên quan đến chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên. “Qua thực tiễn, Bộ GD-ĐT nhận thấy, đối với giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói chung, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết. Những yêu cầu này cần lồng ghép trong quá trình bồi dưỡng chức năng nghề nghiệp và cũng đã được Bộ GD-ĐT quy định trong chuẩn giáo viên”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng thừa nhận, bản thân Bộ trưởng cũng thấy rất phiền hà trước tình trạng yêu cầu quá nhiều văn bằng, chứng chỉ không chỉ riêng trong thi nâng ngạch hoặc xét thăng hạng viên chức. Bộ trưởng cho rằng, riêng quy định bổ nhiệm bây giờ yêu cầu tới 7 bằng cấp tiêu chuẩn, điều kiện là quá nhiều. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cam kết trước Quốc hội, đến năm 2020, sau khi Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, Bộ Nội vụ sẽ sửa ngay và sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm thăng hạng xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào.

Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, xây dựng. Trong đó, các đại biểu đặt câu hỏi thẳng thắn, sâu sắc, có tính thực tiễn cao và tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Đây là lần thứ hai Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đánh giá Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân có nhiều kinh nghiệm, nắm chắc tình hình, thực trạng và những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Theo đó, phần trả lời của Bộ trưởng mạch lạc, rõ ràng, cầu thị và rất thẳng thắn nhận trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo