Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Suy ngẫm – Góc nhìn:

Sau những vụ bạo hành, bao lâu các em mới lành lặn vết thương?

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, TPHCM chia sẻ với chuyên gia tư vấn tâm lý các câu chuyện về văn hóa ứng xử trong trường học.

(Thanhuytphcm.vn) - Trường lớp trở lại sau những ngày nghỉ Tết lại đón nhận thông tin đau lòng với những câu chuyện bạo hành học sinh của một số thầy cô giáo.

Đó là vụ một nữ sinh lớp 7 ở Trường THCS Long Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, bị thầy giáo chủ nhiệm đánh phạt đến vẹo cột sống từ hồi trước Tết đến nay mới bị phát hiện. Đó là vụ cô giáo đánh trẻ ở Trường Mầm non tư thục Tây Thạnh 2, quận Bình Tân, TPHCM, do cách ứng xử không khéo, đến nỗi phụ huynh bé tức giận đòi bồi thường 100 triệu đồng, thậm chí kiện ra tòa…

Trước đó không lâu đã có không biết bao nhiêu vụ bạo hành trong trường học xảy ra, từ bạo hành thể xác cho đến tinh thần.

Trong vụ ở Trường THCS Long Hòa, thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) An Giang cho biết, vào ngày 19/1/2019, trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm, thầy giáo Lê Trường Thọ (giáo viên chủ nhiệm lớp 7A3, Trường THCS Long Hòa) có phạt đánh nhiều roi vào mông 4 học sinh của lớp 7A3, trong đó có em Phùng Thị Minh Thư. Đến sáng ngày 22/2, gia đình có đến trường phản ánh về việc em Minh Thư bị thầy Thọ đánh đau cột sống (có phim chụp X-quang). Hiệu trưởng nhà trường đã xin lỗi gia đình về sự việc không mong muốn trên, hứa sẽ xử lý nghiêm vi phạm của giáo viên. Nhận thấy đây là sai phạm nghiêm trọng của giáo viên Lê Trường Thọ, khi vi phạm đạo đức nhà giáo, nên Sở GDĐT đã yêu cầu Phòng GDĐT huyện Phú Tân chỉ đạo trường tạm đình chỉ công tác đối giáo viên Thọ (đình chỉ 15 ngày, tính từ ngày 25/2), báo cáo chính quyền địa phương xác minh và xử lý theo qui định pháp luật; quan tâm tạo điều kiện cho học sinh Phùng Thị Minh Thư ổn định sức khỏe và tâm lý, tiếp tục đến trường. Hiện tại em Thư đã xin chuyển trường.

Trong vụ cô giáo đánh trẻ ở Trường mầm non tư thục Tây Thạnh 2, quận Bình Tân, khi gia đình phát hiện và phản ảnh với nhà trường thì cô giáo có thừa nhận đã đánh trẻ. Sự việc xảy ra từ tháng 12/2018, sau nhiều lần hòa giải, thương lượng bất thành, vị phụ huynh này cho biết nhà trường không có thiện chí, nên phụ huynh đã nâng mức đòi bồi thường lên 100 triệu đồng, đồng thời cho biết sẽ đem sự việc ra tòa, trong khi trước đó chỉ yêu cầu bồi thường 900.000 đồng tiền khám cho con. Vị phụ huynh cho hay, sự việc xảy ra hơn 50 ngày thì đại diện nhà trường mới đến nhà xin lỗi, đề nghị được thương lượng, là không có thiện chí. Hiện cháu bé cũng đã được gia đình chuyển đến trường mầm non khác.

Còn nhớ không lâu trước đó, dư luận bức xúc trường hợp một cô giáo Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã cho các học sinh tát bạn 230 cái và cô giáo tát 1 cái; hay vụ cô giáo ở Trường Tiểu học An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng... Trong khi đó, một cô giáo dạy Toán tại Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, TPHCM lại đối xử với các học sinh của mình bằng cách… câm lặng không giảng bài trong suốt nhiều tháng liền, đã cho thấy ngày càng có nhiều vụ bạo hành từ thể xác đến tinh thần học sinh, gây bức xúc trong xã hội.

Thiết nghĩ, ngành giáo dục cần phải có những giải pháp căn cơ và quyết liệt hơn nữa, bắt đầu từ mỗi nhà trường, từ ban giám hiệu. Các nhà trường cần quan tâm đến từng học sinh, từng giáo viên để nắm bắt tình hình, lắng nghe tâm tư để có giải pháp kịp thời, thấu đáo từng sự việc, tránh xảy ra những câu chuyện đau lòng. Hầu hết trong các sự vụ vừa qua, phải đến khi phụ huynh hay người dân phát hiện và phản ánh thì nhà trường mới biết, việc xử lý thiếu hợp tình, hợp lý, thậm chí phản cảm gây bức xúc dư luận như trong vụ “tát 231 cái”, vị hiệu trưởng trường này còn phát phiếu đến các em học sinh để… điều tra.

Qua đây để nói rằng, nếu như bản thân lãnh đạo mỗi nhà trường không quyết liệt, sâu sát tình hình, chưa nói đến trường hợp che giấu vì sợ ảnh hưởng đến thành tích, thì vấn nạn bạo lực trong học đường sẽ không bao giờ hết được. Sau mỗi vụ bị “đòn” đau, các học sinh lại phải chuyển trường, phải mất một thời gian dài mới có thể hòa nhập ở môi trường mới, lại phải rất lâu để chữa lành vết thương thể xác và chắc chắn rằng để xoa dịu nỗi đau tinh thần thì các em cần phải mất nhiều ngày tháng hơn nữa.

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo