Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Sẽ kiểm tra tất cả dự án giao thông đội vốn, xử nghiêm vi phạm

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ 3

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 5/6, sau khi kết thúc chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GT-VT) Nguyễn Văn Thể. Đây là lĩnh vực được người dân quan tâm, ngay từ đầu đã có 66 ĐBQH đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ GT-VT.

Không để xảy ra trường hợp như dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông

Các chất vấn của ĐBQH về lĩnh vực GT-VT tập trung vào các nội dung: mở rộng quốc lộ 1, giải pháp kiểm soát xe quá khổ, quá tải; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; ngăn chặn tình trạng lái xe sử dụng rượu bia, ma túy gây tai nạn nghiêm trọng; đầu tư các công trình giao thông vùng khó khăn (Tây Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long); xử lý 69 dự án giao thông lớn, chậm tiến độ; lợi ích nhóm trong các dự án BOT giao thông...

ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An chất vấn "trách nhiệm của các cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng dự án giao thông chậm tiến độ, đội vốn hàng nghìn tỷ đồng?" Trả lời, Bộ trưởng Bộ GT-VT cho rằng, dự án chậm tiến độ có nguyên nhân khách quan như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn không kịp thời... Nhưng trách nhiệm chủ quan thuộc về chủ đầu tư, ban quản lý dự án.  Nhiều công trình đội vốn rơi vào dự án đường sắt đô thị do đây là công nghệ mới, được phê duyệt trước năm 2008; trong khi thời điểm này diễn ra khủng hoảng nghiêm trọng, năm 2009 trượt giá gần 20%, từ 2009 đến 2013 trượt giá 49%... Xử lý việc này, Bộ GT-VT đã điều chuyển một số giám đốc ban quản lý dự án; kiểm điểm cuối năm.

Liên quan đến nội dung này, nhiều ĐB chất vấn về việc chậm tiến độ, đội vốn của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội). Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án này thực hiện theo hiệp định vay vốn giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó tổng thầu do Trung Quốc chỉ định. Tổng thầu này triển khai dự án tốt nhưng thiếu kinh nghiệm trong vận hành đường sắt, trong khi đây là hai việc khác nhau. Bộ GTVT đã làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc, Bộ Giao thông Trung Quốc để cải thiện tình hình, cố gắng đưa dự án sớm đi vào vận hành. Hiện dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, còn 1% là một số hạng mục nhỏ và tổng thầu đang triển khai công tác chứng minh an toàn hệ thống. Bộ GT-VT đang cùng tổng thầu, đơn vị liên quan cố gắng kết thúc 1% phần việc còn lại của dự án, trong đó có việc chứng nhận tất cả thiết bị đảm bảo an toàn hệ thống; khi đó mới có thể vận hành thương mại tuyến đường sắt này…

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Cho biết vừa qua, nhiều cử tri, trong đó có nhiều chuyên gia kinh tế, kỹ thuật nước ta rất bức xúc trước thông tin chỉ có nhà thầu đầu tư Trung Quốc quan tâm đến dự án đường cao tốc Bắc - Nam, và cử tri cho rằng đây là tín hiệu sai do chúng ta xúc tiến chưa tốt, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nêu rõ: Cử tri đề nghị dự án đường cao tốc Bắc - Nam phải là công trình tiêu biểu của các thế hệ hiện nay để lại cho con cháu hằng trăm năm sau. Do đó, con đường này cần là dự án chất lượng cao, bền vững, bảo đảm các yêu cầu chính trị, kinh tế, xã hội và đặc biệt bảo đảm về an ninh quốc phòng. Nếu có cách làm tốt, công khai, minh bạch, hợp lý thì sẽ huy động được nguồn vốn chủ yếu từ các doanh nghiệp Việt Nam và hàng chục triệu người dân qua phát hành trái phiếu các loại, qua đó giảm gánh nặng nợ công và nợ nước ngoài. “Cử tri còn hỏi rằng Chính phủ có biện pháp gì bảo đảm không lặp lại vấn nạn và hệ lụy của việc chọn thầu dựa vào giá rẻ, cuối cùng đội vốn nhiều lần, công nghệ thấp, chất lượng kém, chưa kể các hậu quả khác và nếu xảy ra thì ai chịu trách nhiệm”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu.

Trả lời ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ xác định cao tốc Bắc - Nam là một trong những công trình trọng điểm, “dứt khoát, những công trình trọng điểm như thế phải đảm bảo chất lượng là hàng đầu”. Do đó, từ công tác tư vấn giám sát cho đến tổ chức thi công, Bộ sẽ giám sát chặt chẽ ngay từ đầu và nếu cần thiết, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn lực để thuê tư vấn nước ngoài giám sát quá trình tổ chức thực hiện, để đảm bảo công trình đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. “Một dự án trọng điểm quốc gia mà có vấn đề về chất lượng sẽ rất nguy hiểm, do đó, tôi rất đồng tình với ý kiến đại biểu Nghĩa và chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn

Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, thời gian tới, ngành giao thông phải khắc phục những hạn chế, đẩy nhanh tiến độ dự án đã được bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; lựa chọn nhà thầu để thực hiện đầu tư cao tốc Bắc Nam, sân bay Tân Sơn Nhất. “Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là phải lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam một cách công khai, minh bạch theo đúng quy định. Ưu tiên nhà đầu tư, nhà thầu trong nước đủ năng lực, nhà thầu nước ngoài phải có năng lực, trách nhiệm, uy tín và được kiểm chứng. Không để xảy ra trường hợp đáng tiếc như dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tăng mức xử phạt vi phạm giao thông

Nhiều ĐB chất vấn đề tình trạng đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe còn nhiều bất cập trong thời gian qua, đây là nguyên nhân có thể dẫn đến tai nạn giao thông. ĐB Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) cho rằng, là do xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe; công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn lỏng lẻo, tiêu cực. Còn ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) hỏi liệu có tiêu cực trong cấp, sát hạch giấy phép lái xe?

Bộ trưởng Bộ GT-VT cho biết, Bộ đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm, Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra, kiểm tra các trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Hiện Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo điều chỉnh Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính cũng như Nghị định 86, trong đó đã lồng ghép các nội dung như tăng cường giám sát giờ học của các học viên; tăng cường giám sát thời gian tập trên đường; tăng độ khó của các đề thi, đưa ra một số tình huống khó. Bộ GT-VT sẽ cải tiến công tác đào tạo cấp giấy phép lái xe, để mỗi lái xe khi nhận bằng có thể hoạt động tốt nhất.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra doanh nghiệp vận tải, hoạt động của lái xe, nhất là tình trạng sử dụng bia rượu.

Về hạ tầng giao thông kém tại các vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc…, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đồng bằng song Cửu Long được bố trí vốn như các vùng khác nhưng do suất đầu tư cao, đất yếu nên khi làm cầu phải gia công tốn kém dẫn đến chi phí cao. Vùng trung du phía Bắc cũng có tình trạng tương tự. Đồng ý các vùng này nên được ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư nhiều hơn, không nên căn cứ vào vốn như hiện nay, Bộ trưởng khẳng định Bộ GT-VT sẽ tham mưu trình Quốc hội phương án phân bổ vốn đầu tư hạ tầng giao thông phù hợp cho hai khu vực này.

Cuối năm 2019, tất cả các trạm BOT đều có hệ thống thu phí không dừng

Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề chất vấn thứ ba liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về GTVT cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Khẩn trương triển khai xây dựng, điều chỉnh và thực hiện các quy hoạch ngành GTVT theo Luật Quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực này; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan kiểm toán, các cơ quan thực thi pháp luật xử lý nghiêm các sai phạm, bảo đảm công khai, minh bạch, phát huy hiệu quả của các dự án, công trình giao thông.

“Xử lý, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư các dự án giao thông trọng điểm. Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện các dự án giao thông, xử lý các vấn đề phát sinh, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng bảo đảm đáp ứng tiến độ thi công các dự án. Làm tốt công tác đấu thầu để lựa chọn được những nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia các dự án giao thông vận tải”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rà soát toàn bộ hệ thống các trạm thu phí đường bộ để xử lý những tồn tại, vướng mắc trong thực tế. Khẩn trương quyết toán các dự án BOT để bảo đảm công khai, minh bạch; triển khai giám sát chặt chẽ việc thu phí bằng hệ thống công nghệ phù hợp. Cuối năm 2019, tất cả các trạm BOT đều có hệ thống thu phí không dừng.

Trung Kiên – Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo