Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Số vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái gia tăng hàng năm

Quang cảnh hội thảo.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 19/10, tại TPHCM, Tổng Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Báo Công thương tổ chức hội thảo “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam - Nguy cơ, thách thức và giải pháp”.

Theo thống kê, trong 9 tháng năm 2018, lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra phát hiện 34.733 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 121,3 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 907 tỷ đồng.

Theo PGS.TS Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, mặc dù Chính phủ đã phân công chức năng, nhiệm vụ, địa bàn cụ thể đối với từng cơ quan, lực lượng chức năng như: Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát tuyến biên giới, cửa khẩu; Công an, Quản lý thị trường chịu trách nhiệm trong nội địa; Thanh tra chuyên ngành chịu trách nhiệm quản lý theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành của mình. Tuy nhiên, kết quả trên chưa tương xứng với tình hình thực tế diễn ra; số vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực này vẫn gia tăng hàng năm.

Đề cập về nguyên nhân của thực trạng này, PGS.TS Đàm Thanh Thế cho biết, do lợi nhuận từ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) cao. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền về tác hại cũng như các cách thức nhận biết hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kiểm tra, xử lý chưa thực sự hiệu quả; chưa phát động được phong trào toàn dân đấu tranh, bài trừ với các loại hàng hóa này.

Đồng thời, nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng còn thấp, thiếu hiểu biết pháp luật trong kinh doanh thương mại; thiếu kiến thức, thông tin về phân biệt hàng thật, hàng giả. Một số người tiêu dùng mặc dù biết là hàng giả nhưng do giá rẻ và phù hợp về tài chính vẫn chấp nhận mua và sử dụng. Nhiều doanh nghiệp có tâm lý ngại làm đơn đề nghị xử lý đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền SHTT; ngại cung cấp cách phân biệt hàng thật, hàng giả cho cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn lo ngại việc tố cáo hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín và doanh thu của sản phẩm.

Để nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, xâm phạm SHTT, PGS.TS Đàm Thanh Thế cho rằng: Tiếp tục đề cao vai trò trách nhiệm Ban Chỉ đạo 389 từ Trung ương đến địa phương trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền, kiểm tra và xử lý lĩnh vực này. Đồng thời, đổi mới công tác phối hợp, trong đó các lực lượng chức năng cần xác định rõ vai trò của từng lực lượng và tầm quan trọng của công tác phối hợp trong phòng, chống hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Tăng cường hơn nữa công tác điều tra cơ bản, quản lý địa bàn, thống kê và nắm bắt thông tin về các tổ chức cá nhân, sản xuất kinh doanh. Qua đó, lập kế hoạch kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tránh gây khó khăn, phiền hà và làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của đối tượng kiểm tra. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức trách nhiệm cho quần chúng nhân dân.

PGS.TS Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia phát biểu tại hội thảo. PGS.TS Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật, phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan thực thi pháp luật, nâng cao ý thức của tổ chức và cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng để từng bước đẩy lùi được vấn nạn hàng giả, xâm phạm quyền SHTT.

Cụ thể, doanh nghiệp phải tích cực nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ của khoa học, công nghệ vào việc chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT (như sử dụng tem chống giả công nghệ cao, sử dụng mã hàng hóa để truy xuất nguồn gốc trên các thiết bị thông minh); phát triển sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; có kênh phân phối và chính sách hậu mãi chăm sóc khách hàng hiệu quả, nhanh chóng, hiện đại; đáp ứng được nhu cầu và tạo được niềm tin cho đại đa số người tiêu dùng.

Về phía người tiêu dùng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm khi mua hàng và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT. Đồng thời, phát hiện, tố cáo, phản ánh vi phạm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng nhái, hàng giả và của các cán bộ công chức thực thi công vụ có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm để kịp thời được xử lý; không vì lợi ích nhỏ trước mắt mà bị lôi kéo, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.

Đình Lý - Hương Thảo


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo