Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Sửa Nội quy kỳ họp để nâng cao chất lượng hoạt động Quốc hội

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 17/8, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Trình bày tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết dự thảo Nội quy sửa đổi lần này gồm 24 vấn đề mới nhằm hoàn thiện các quy định liên quan đến kỳ họp Quốc hội theo hướng quy định đầy đủ, cụ thể, khoa học, hợp lý những quy trình, thủ tục tại kỳ họp; nội quy hóa những vấn đề về cải tiến, đổi mới trong công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh. Đồng thời nhằm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động của Quốc hội...

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho biết, trong quá trình thảo luận có một số vấn đề còn ý kiến khác nhau. Về thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể, có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định thời gian phát biểu là 5 phút. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đề nghị giữ quy định thời gian phát biểu là 7 phút như Nội quy hiện hành. Về vai trò của chủ tọa, người điều hành phiên họp, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định chủ tọa, người điều hành phiên họp có quyền linh hoạt kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình; được quyền yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng tranh luận hoặc phát biểu nếu đại biểu Quốc hội phát biểu, tranh luận quá thời gian hoặc không phát biểu, tranh luận đúng nội dung. Ý kiến khác đề nghị chủ tọa, người điều hành phiên họp chỉ có quyền điều hành theo đúng thứ tự đăng ký phát biểu, tranh luận.

Về tranh luận, chất vấn lại, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về việc tranh luận trong hoạt động chất vấn: đại biểu Quốc hội có quyền tranh luận với người bị chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Thời gian tranh luận không quá 2 phút. Có ý kiến cho rằng nếu người trả lời chất vấn giải trình chưa rõ thì đại biểu Quốc hội cần tranh luận, truy vấn đến cùng nhằm mục đích làm sáng tỏ vấn đề và không chỉ đại biểu có câu hỏi mà đại biểu khác có cùng sự quan tâm cũng có quyền tranh luận với người bị chất vấn. Còn chất vấn lại được hiểu là đại biểu đã chất vấn nhưng không hài lòng với câu trả lời thì có quyền chất vấn lại người bị chất vấn.

Về biểu quyết tại phiên họp toàn thể: Có ý kiến đề nghị quy định hình thức biểu quyết linh hoạt hơn trong trường hợp đặc biệt như khi dịch bệnh. Theo đó đề nghị bổ sung quy định khi cần thiết, Quốc hội áp dụng đồng thời hai hình thức biểu quyết theo đề nghị của chủ tọa. Có ý kiến cho rằng, việc sử dụng đồng thời các hình thức biểu quyết khác nhau với mức độ công khai việc biểu quyết của mỗi đại biểu khác nhau khó bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong hoạt động của Quốc hội, do đó đề nghị cân nhắc việc quy định trường hợp biểu quyết nêu trên.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội. Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với đề nghị của Ban soạn thảo về việc báo cáo UBTVQH quyết định bổ sung dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) theo trình tự xem xét, thông qua tại một kỳ họp Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Nội quy kỳ họp. Đồng thời, tán thành quy định về thời gian phát biểu tối đa của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể không quá 7 phút; quy định về tranh luận với người bị chất vấn; quy định về cơ quan trình (Chính phủ) có trách nhiệm tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo nghị quyết đối với các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội trình Quốc hội trong thời gian giữa 2 kỳ họp.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị bổ sung Báo cáo tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội vào hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội.   

Thảo luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đã tham vấn ý kiến rất nhiều và thấy thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể 7 phút là phù hợp, không nên rút ngắn nữa. Tuy nhiên, cũng cần quy định để có nhiều đại biểu tham gia phát biểu nhất, nên cho phép người điều hành giảm thời gian xuống nhưng không dưới 5 phút, việc này phải được Quốc hội đồng ý. Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý, nên chăng cần tính cả phương án Quốc hội làm hết việc chứ không phải hết giờ. Đơn cử giờ làm việc của Quốc hội buổi chiều kết thúc 17 giờ, nhưng nếu còn người phát biểu thì có thể kéo dài đến 18 – 19 giờ, linh hoạt để mở rộng quyền đại biểu. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh kỳ họp Quốc hội là phương thức hoạt động quan trọng nhất của Quốc hội, sửa nội quy cần đạt được hai mục tiêu là nâng cao chất lượng, nhưng rút ngắn tối đa thời gian của kỳ họp, những quy định về quyền của đại biểu thì không được hạn chế.

Sau khi thảo luận, UBTVQH yêu cầu các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện dự thảo xin ý kiến đại biểu chuyên trách, tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tư theo quy trình một kỳ họp.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo