Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tăng cường sản phẩm thân thiện với môi trường tại các di tích và lễ hội vùng ĐBSCL

Theo các đại biểu, tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa sử dụng một lần ở các khu di tích sau khi các lễ hội diễn ra vẫn đang là một thực tế cần quan tâm.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 8/12, Trường Đại học (ĐH) Văn hóa TPHCM đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Giảm thiểu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tăng cường sản phẩm thân thiện với môi trường tại các di tích và lễ hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Hội thảo được tổ chức theo hai hình thức trực tiếp tại điểm cầu chính Trường ĐH Văn hóa TPHCM và trực tuyến trên nền tảng Zoom, thu hút gần 100 đại biểu tham dự.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TPHCM, Trưởng Ban Tổ chức cho biết, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào chống chất thải nhựa trên toàn quốc. Hưởng ứng phong trào này, các cơ quan, tổ chức quản lý khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, chống chất thải nhựa bằng nhiều hình thức, góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường. Công tác tuyên truyền vận động giảm thiểu sử dụng chất thải nhựa ở các điểm du lịch, khu di tích và lễ hội cũng được các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm chất thải nhựa sử dụng một lần ở các khu di tích sau khi các lễ hội diễn ra vẫn đang là một thực tế cần quan tâm. Các hoạt động tăng cường sản phẩm thân thiện với môi trường tại các di tích và lễ hội vùng ĐBSCL chưa thật sự mạnh mẽ và thu hút… “Thông qua Hội thảo, chúng tôi mong muốn nhấn mạnh đến những tác hại của việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, sẻ chia những kinh nghiệm từ các địa phương và cùng các nhà khoa học thảo luận, tìm ra các giải pháp thiết thực nhằm giảm thiểu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tăng cường sản phẩm thân thiện với môi trường tại các di tích và lễ hội vùng ĐBSCL”, ông Dũng bày tỏ.

Theo TS Mai Hà Phương, Khoa Du lịch, Trường ĐH Văn hóa TPHCM, ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa đang là vấn đề mang tính toàn cầu, có ảnh hưởng lớn đến môi trường sống và các hoạt động kinh tế, xã hội ở nhiều quốc gia, khu vực. Ở Việt Nam, sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là sản phẩm nhựa sử dụng một lần đã trở thành thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của người dân cũng như trong các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại các di tích và lễ hội trên khắp cả nước. Trong những năm gần đây, du lịch ở vùng ĐBSCL đã và đang phát triển khá nhanh, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với các di tích và lễ hội, làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nhựa trên địa bàn. Thực tiễn cho thấy, hoạt động tiêu dùng du lịch là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng ô nhiễm nhựa tại hầu hết các điểm di tích và lễ hội ở nước ta nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng.

Th.S Lâm Thanh Sơn, nguyên Trưởng ban Huấn luyện giảng viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng chia sẻ, di tích Miếu Bà và lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được coi là đòn bẩy phát triển kinh tế cho TP Châu đốc và góp phần tạo công ăn việc làm cho cư dân địa phương, nhưng đồng thời cũng mang lại nỗi lo ô nhiễm môi trường tự nhiên do sản phẩm nhựa sử dụng một lần được thải ra từ những dịch vụ phát sinh từ di tích, lễ hội này. Điều này càng trở nên áp lực, đặt ra bài toán nan giải với địa phương khi thời gian gần đây số lượng du khách ngày càng tăng đồng nghĩa với việc số rác thải ngày càng nhiều. Tương tự, theo ThS Huỳnh Điệp Như, giảng viên Trường ĐH Trà Vinh khi bàn về việc nâng cao nhận thực cộng đồng tại địa phương cho rằng: “Người dân Khmer Trà Vinh có nhiều phong tục tập quán và có nền văn hóa nghệ thuật rất độc đáo. Hàng năm, người Khmer tổ chức nhiều lễ hội truyền thống dân tộc, đó cũng là dịp để đồng bào Khmer thể hiện những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc… Việc duy trì tổ chức các lễ hội dân tộc đã góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer và quảng bá bản sắc ấy với du khách gần xa. Hàng năm, các lễ hội Khmer đã thu hút hàng vạn người dân cùng du khách đến từ nhiều nơi. Cũng chính vì lẽ đó, các lễ hội đã gây áp lực rất nặng nề đối với môi trường vì việc tạo ra rác thải nhựa mà nhất là các sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các lễ hội đó…”.

Cán bộ, đoàn viên thực hiện vệ sinh khu vực đường lên đỉnh núi Sam tại di tích Miếu Bà và lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Cán bộ, đoàn viên thực hiện vệ sinh khu vực đường lên đỉnh núi Sam tại di tích Miếu Bà và lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Theo các đại biểu, thực tế cho thấy trong quá trình tham gia lễ hội tại chùa hay các điểm tổ chức lễ hội, người dân đã để lại cho địa phương nhiều hệ lụy về môi trường, đặc biệt là cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên. Sự thiếu ý thức của người dân đã biến nơi diễn ra lễ hội thành “đống rác” khổng lồ với nhiều chủng loại và đặt biệt là các sản phẩm dùng một lần để gói, đựng thức ăn, nước uống… điều này gây mất vệ sinh, mất mỹ quan và tạo ra bầu không khí bị ô nhiễm cho địa phương mà phải qua một thời gian dài sau đó mới có thể khôi phục lại hiện trạng vốn có.

Cho đến nay, chưa có một số liệu thống kê nào về lượng rác thải nhựa tại các di tích, lễ hội hay điểm/khu du lịch cụ thể. Tại một số khu vực tổ chức lễ hội, sau khi kết thúc lễ hội thường để lại lượng rác thải nhựa sử dụng một lần rất lớn. Mặc dù chính quyền các địa phương đã có nhiều nỗ lực hạn chế hành động xả thải bừa bãi; ban hành các quyết định, chỉ thị và kế hoạch hành động phù hợp với thực tiễn nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn nạn này… Theo các chuyên gia, cần thực hiện thường xuyên việc tuyên truyền đối với tất cả đối tượng có liên quan đến các di tích, khu vực diễn ra lễ hội bằng nhiều hình thức đa dạng. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất để xử lý rác thải cần được đầu tư và có thể sử dụng thuận lợi cho tất cả mọi người; cần chủ động yêu cầu và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường…

Nghiên cứu của Th.S Phan Đình Dũng và Th.S Lương Như Ý, Khoa Kiến thức cơ bản, Trường ĐH Văn hóa TPHCM đã đưa ra nhận định, việc bảo vệ môi trường tự nhiên ở ĐBSCL nói chung, giảm thiểu ô nhiễm rác thải từ sản phẩm nhựa nói riêng tại các khu di tích, du lịch, địa điểm diễn ra lễ hội là việc làm cấp thiết, có ý nghĩa trong đời sống con người, bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên và hướng đến tương lai là nguồn tài nguyên trong chiến lược phát triển du lịch xanh. Các địa phương, các cơ quan chức năng, các cơ sở liên quan trong quản lý, điều hành đều có những quan tâm cụ thể. Tuy nhiên, để đạt được được hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ của chính quyền và người dân, từ những hình thức đa dạng phù hợp với đặc điểm tại chỗ cũng như các đánh giá cụ thể và tuyên truyền cho tất cả thành phần trong xã hội, cho du khách và được duy trì thường xuyên để trở thành tập quán trong đời sống, sinh hoạt. Bên cạnh đó, việc huy động từ các nguồn lực xã hội với sự trân trọng, tạo những điều kiện hỗ trợ, ưu đãi trong phát huy sáng kiến sáng tạo sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ đưa đến những thuận lợi cho hoạt động bảo vệ môi trường trước tình trạng ô nhiễm đáng báo động hiện nay ở ĐBSCL.

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo