Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

Toàn cảnh phiên họp (nguồn Quochoi.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 22, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Mục tiêu sửa đổi Luật được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đưa ra là nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để phát triển và hội nhập.

Hệ thống giáo dục quốc dân bị phân mảnh

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Luật Giáo dục đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Luật đã nảy sinh một số điểm chưa phù hợp với tình hình thực tiễn như: hệ thống giáo dục quốc dân; mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp và chương trình giáo dục; văn bằng chứng chỉ; giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; quản lý nhà nước về giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo; chính sách đối với học sinh, sinh viên sư phạm. 

Theo quy định hiện hành, hệ thống giáo dục quốc dân bị phân mảnh, liên kết giữa các bộ phận (giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học) lỏng lẻo, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục chưa hợp lý, không đồng bộ; tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo chậm được khắc phục, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế. Hệ thống giáo dục quốc dân chưa hình thành rõ ràng các hướng phát triển cho học sinh phổ thông và thiếu sự phân luồng người học từ sau trung học cơ sở cho đến hết giáo dục trung học (sau lớp 12). 

Mục tiêu, yêu cầu, nội dung, chương trình giáo dục mầm non, phổ thông chưa thực sự hướng tới việc hình thành nhân cách, phát triển về thể chất và tình cảm cho trẻ em và phát triển năng lực của học sinh. Mục tiêu phát triển năng lực cá nhân chưa được cụ thể hoá trong chương trình giáo dục hiện hành; chương trình các môn học chỉ xây dựng chuẩn kiến thức, kỹ năng và yêu cầu về thái độ mà chưa xây dựng chuẩn đầu ra về phẩm chất và năng lực của học sinh; chưa đảm bảo sự cân đối giữa dạy chữ và dạy người. Học sinh chưa được trang bị để hình thành các kỹ năng, năng lực, chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn trưởng thành thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng và toàn diện của nền kinh tế - xã hội. Học sinh trung học phổ thông hầu như ít được chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng liên quan đến ngành nghề được đào tạo hoặc tham gia vào hoạt động xã hội; chương trình giáo dục hiện hành rất khó tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh Việt Nam theo học các chương trình đào tạo quốc tế. 

Một số nội dung của một số môn học chưa đảm bảo tính hiện đại, cơ bản, còn nặng tính hàn lâm, chưa thiết thực với học sinh; việc tổ chức các hoạt động giáo dục chưa được coi trọng; quan điểm tích hợp chưa được quán triệt đầy đủ trong thiết kế chương trình; chưa thực sự đảm bảo tính liên thông giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học để thực hiện mục tiêu phân luồng sau trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Chương trình giáo dục mầm non hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu hình thành những yếu tố ban đầu của nhân cách, phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một; phù hợp với từng độ tuổi, từng nhóm đối tượng trẻ em.  

Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học, nhất là những yêu cầu về vận dụng kiến thức, rèn luyện tư duy độc lập, phản biện, khả năng tự học, các kỹ năng thực hành, kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm, kỹ năng ngoại ngữ và tin học…

Nâng cao vị thế nhà giáo, tăng tính hấp dẫn của nghề giáo

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung 50/114 điều, chiếm 44% tổng số điều của Luật Giáo dục hiện hành, bổ sung 3 điều và bãi bỏ 10 điều, tập trung vào 3 chính sách cụ thể: Sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân, mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp, chương trình giáo dục, văn bằng, chứng chỉ theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; sửa đổi, bổ sung quy định về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên để đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý Nhà nước về giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo; chính sách đối với học sinh, sinh viên sư phạm.

Thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho thấy, việc sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo Luật chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội, chưa giải quyết thấu đáo các vấn đề đặt ra trong Tờ trình. Nhiều quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế chưa được thể chế hóa; giáo dục vẫn chưa được đặt đúng vị trí là “quốc sách hàng đầu”; các điều kiện thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong bối cảnh giáo dục mới chưa được tiếp cận.

Về chính sách thu hút học sinh, sinh viên sư phạm (Điều 89), dự thảo Luật đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm. Nhiều ý kiến tán thành quan điểm này, cho rằng sửa đổi để thực hiện chi trả chính sách đúng đối tượng làm việc trong ngành giáo dục. 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, để giải quyết các bất cập về lãng phí ngân sách, thời gian, nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm thì cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm, nhân lực ngành giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, dự thảo Luật cũng cần sửa đổi các quy định về tuyển sinh, đào tạo sư phạm để nâng cao chất lượng đầu vào; nâng cao vị thế nhà giáo, tăng tính hấp dẫn của nghề giáo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo