Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tết cổ truyền đến từ những điều giản dị

Tết truyền thống là những giá trị văn hóa được đúc kết từ ngàn năm

(Thanhuytphcm.vn) - Trên các diễn đàn câu chuyện về tết nhạt, tết rềnh rang lãng phí với việc biếu xén, với những liên hoan cỗ bàn ngập tràn rượu bia… khiến cho bức tranh Tết truyền thống trầm đi ít nhiều. Song trong cái náo nức của mùa xuân, khi mà cây cối, thiên nhiên chuyển mình nảy lộc, đơm bông, trong thời khắc trời đất chuyển mình thì chỉ một thoảng hương nếp của nồi bánh chưng trên hè phố, một sắc thắm của đào, của mai… những giá trị tưởng rất bình thường, giản dị ấy cũng đủ khơi dậy cả một miền ký ức linh thiêng với nàng xuân của riêng mình.

Xa thương, gần thường…

Vì sao cái Tết không còn là sự háo hức? Lý do đưa ra thì vô vàn. Người thì cho rằng giới trẻ ngày nay thích hướng ngoại, người thì đổ tại do môi trường sống thay đổi, mọi thứ đều sẵn có chỉ cần ra chợ, vào siêu thị là có đủ… Song nhạt hay thắm phần lớn là do cảm nhận của mỗi người.

Ông Nguyễn Hữu Bảo - người được bạn bè đặt cho biệt danh là “Người giữ ký ức Hà Nội qua những khung hình” chia sẻ: “Nhiều người cho rằng phong vị của ngày tết dân tộc đã ngày càng phai nhạt, rồi lại đăng đàn mổ xẻ việc nên hay không nên giữ Tết Nguyên đán… nhưng theo ông việc đậm hay nhạt là do cảm nhận của mỗi người, chẳng thể nào áp đặt được cảm xúc, song với ông và gia đình, tết thực sự là một khoảng lặng thiêng liêng chạm vào cảm xúc. Vẫn là đó bánh chưng, là bát canh măng, canh miến, là giò và nem như bao ngày nhưng bữa cơm tất niên trong không khí chiều 30 Tết, khi cả nhà quây quần bên nhau không còn những lo lắng của nhịp sống thường nhật với cơm áo, gạo tiền, với những kế hoạch còn dang dở… đó chính là điều tuyệt vời nhất mà chỉ có tết truyền thống mới có được”. Theo ông, cái tâm lý “xa thương, gần thường” thi vị hóa cái nghèo và thường đem những cảm xúc xưa để áp đặt làm chuẩn mực cho cuộc sống hiện tại, nhưng đó phải chăng chính là tư tưởng lạc hậu. Đúng là tết xưa háo hức vì cả năm mới có nồi bánh chưng, có dịp chưng diện quần áo mới… nay các chị, các mẹ không còn quá tất bật, lo lắng sửa soạn một cái tết đủ đầy vì thế tết đã nhẹ nhàng và dễ thương hơn.

Cùng quan điểm này, TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng mỗi người có quyền đưa ra quan điểm của riêng mình về tết. Văn hóa luôn biến đổi và phải phù hợp với bối cảnh xã hội. Bối cảnh xã hội của nước ta bây giờ đã có nhiều thay đổi, vì vậy tết cũng sẽ thay đổi. Tuy nhiên, tết có thể thay đổi ở những hình thức bên ngoài, ở những hoạt động cụ thể như đi du lịch tết, bớt ăn, tăng chơi… nhưng tinh thần cơ bản của tết thì không thay đổi: đó là truyền thống báo hiếu cha mẹ, thầy cô, những người đã giúp đỡ mình trong năm vừa qua, cố kết cộng đồng, tôn vinh quá khứ, hướng đến những giá trị truyền thống tốt đẹp khác của dân tộc hòa mình trong tiết trời thay đổi. Những giá trị đó được đúc kết qua hàng ngàn năm, được gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Gìn giữ nét đẹp của những phong tục tết xưa

Dưới góc nhìn di sản, thì Tết cổ truyền là những thứ chân thật, không phải là những giá trị ảo màu mè. Tết là thiêng liêng, là gia đình, là ông bà tổ tiên, là truyền thống, là dịp con cháu bày tỏ sự biết ơn của mình đến với người lớn tuổi, người lớn lại bày tỏ sự yêu thương, chăm chút đến với con cái…

Biếu quà cha mẹ, người thân là một hành vi đẹp thể hiện đạo lý của con người. Biếu quà không chỉ riêng có ở người Việt Nam mà là một hành vi mang tính phổ quát toàn nhân loại. Vấn đề khác nhau ở hình thức và mục đích biếu quà mà thôi. Với nhiều quốc gia, biếu quà không chỉ là một hành vi nhằm tạo dựng mối quan hệ xã hội mà còn là một hành vi mang tính đạo lý. Việc nhận và tặng quà có những quy định rất rõ ràng đối với những vị trí lãnh đạo nhất định. Ở nước ta, trong những năm gần đây, việc biếu quà đôi khi bị biến tướng bởi nhiều lý do, trong đó lý do quan trọng nhất xuất phát từ mục đích vụ lợi của cả người nhận và tặng quà. Nếu như xã hội chuộng những giá trị vật chất, việc tặng quà độc, đặc biệt, giá cao, từ những việc làm nhỏ lẻ trong một số trường hợp gần như trở thành phong trào.

Theo TS Bùi Hoài Sơn khi chúng ta đang sống trong một xã hội mà một số giá trị ngoài văn hóa đang chi phối giá trị văn hóa. Kinh tế là một ví dụ. Khi chúng ta đề cao giá trị của đồng tiền một cách thái quá thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta lấy đồng tiền làm thước đo cho các giá trị khác. “Ví như tục mừng tuổi chẳng hạn, nếu như mừng tuổi trước kia chỉ dành cho một số đối tượng nhất định và mang tính chất tượng trưng thì nay, trong một số trường hợp trở thành phương tiện để biếu xén, tham nhũng. Tôi cho rằng, không phải tất cả các phong tục, tập quán liên quan đến tết đều còn phù hợp. Nhưng đúng như Bác Hồ đã nói: “Cái gì tốt thì gìn giữ, cái gì xấu thì bỏ, cái gì chưa phù hợp thì sửa đổi cho phù hợp”, chúng ta cần nhìn nhận vào những giá trị đích thực của các phong tục, tập quán trong ngày tết để tìm ra sự phù hợp với cuộc sống đương đại, từ đó có cách thức chọn lọc, phát huy những giá trị của tết”- TS Bùi Hoài Sơn nói. Mặc dù có những biến tướng trong các phong tục ngày tết, nhưng đây không phải là bản chất của tết và cũng không vì những biến tướng đó mà bỏ đi phong tục tốt đẹp của dân tộc.

Cùng nhận định này TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian cho rằng, Tết cổ truyền người Việt đã biến đổi rất nhiều nhưng giá trị về niềm vui đón chào năm mới với ước vọng hơn hẳn năm qua vẫn được duy trì. Một số phong tục đón Tết có thể chuyển hóa theo không gian, thời gian và tác động của quá trình toàn cầu hóa nhưng bản sắc riêng của Tết Việt vẫn tồn tại. Hồn cốt của Tết là quan niệm đổi mới, đón chào cái mới, bản sắc của Tết phản ánh tính cộng đồng, sum họp gia đình, dòng họ, xóm làng…

Tại thời điểm này, thời gian “làm Tết, ăn Tết” đã chuyển sang “chơi Tết” là chính. Tuy nhiên, việc sum họp mừng năm mới với nhiều hình thức khác nhau như trở về nhà với bố mẹ hay gọi điện, nhắn tin, hay kết nối qua facebook, zalo… vẫn tồn tại. Nhiều thú vui dân gian lúc còn, lúc mất nhưng dòng chảy của Tết vẫn chảy mãi.

Trúc Anh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo