Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực – Chủ trương cần thiết và phù hợp với thực tiễn

(Thanhuytphcm.vn) - Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng có ý nghĩa trước mắt cũng như lâu dài trong xây dựng và phát triển đất nước. Đáng chú ý là chủ trương thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận, trong khi đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng và kỳ vọng, vẫn có một bộ phận người dân do nhận thức chưa đầy đủ, toàn diện nên tỏ ra băn khoăn, lo lắng, hoài nghi về tính khả thi, hiệu quả của chủ trương này trên thực tế.

Để tạo sự thống nhất, đồng thuận trong xã hội, cần phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ, toàn diện về tính tất yếu và sự cần thiết của chủ trương thành lập BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở những vấn đề cơ bản sau:

Đầu tiên, phải thấy rằng, những năm gần đây, công cuộc chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được những kết quả khả quan. Điều đó, không chỉ thể hiện qua các thống kê về các đại án, vụ việc tham nhũng bị đưa ra ánh sáng công lý; số tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm bị phát hiện và xử lý; hay khối lượng tài sản được thu hồi trong thời gian qua… Mà nó được đánh giá bằng sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; bằng sự bồi đắp về uy tín và danh dự của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước; bằng sự nhất trí, đồng lòng, quyết tâm chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị nhằm bảo vệ sự minh bạch, liêm chính trong hoạt động của các cơ quan công quyền từ Trung ương đến địa phương, bảo vệ sự tồn vong của Đảng, của chế độ XHCN. Những kết quả ấy, đã khẳng định đường hướng, mô hình, cách thức, phương pháp “đốt lò” hiện tại là đúng và phù hợp với thực tiễn. Thế nhưng, muốn chống tham nhũng triệt để và thành công hơn nữa thì những mô hình, định hướng ấy cần phải được tiếp tục triển khai sâu rộng, toàn diện, lan tỏa mạnh mẽ đến các địa phương. Điều đó có nghĩa là song song với BCĐ phòng, chống tham nhũng ở Trung ương cần phải hình thành các BCĐ ở địa phương, từ đó hình thành mạng lưới các “lò” cấp tỉnh, xây dựng các “lò” cấp tỉnh lớn mạnh, thực sự trở thành “địa chỉ đỏ”, “vệ tinh đắc lực”, đáng tin cậy, đủ sức ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ thành quả sự nghiệp cách mạng XHCN.

Phòng, chống tham nhũng là một trong những nội dung cốt lõi, trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thành bại của công tác này ảnh hưởng đến sự ổn định của quốc gia, dân tộc; sự hưng vong của chế độ. Chính vì thế, đây không chỉ là nhiệm vụ của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị mà phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cơ quan, đoàn thể, địa phương. Suy cho cùng, phòng, chống tham nhũng cũng là làm cách mạng, là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Do đó, việc thành lập BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là bước tiến quan trọng để công cuộc “đốt lò” đến gần với Nhân dân hơn, để Nhân dân thấu được ý nghĩa, tác dụng và lợi ích của công tác này đối với xã hội, cộng đồng và với chính bản thân mình; Nhân dân có thể tham gia bàn bạc, hiến kế bài trừ vấn nạn này; để Nhân dân tham gia giám sát kết quả “đốt lò” ở ngay chính tại cơ sở. Điều này phù hợp với nguyện vọng chính đáng bấy lâu của người dân đó là “bao giờ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đưa “lò” chống tham nhũng về cơ sở”.

Thực tế cho thấy, hầu hết hành vi tham nhũng bị các cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, xử lý thời gian qua đều có tính chất rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, gây tổn thất to lớn, để lại hậu quả, tác hại lâu dài với toàn xã hội. Không ít tội phạm tham nhũng khi bị phát hiện là người đang đảm nhiệm chức vụ quan trọng ở Trung ương, người đứng đầu các địa phương. Tuy nhiên, hành vi sai phạm của họ phần lớn đã diễn ra trước đó và kéo dài cả một quá trình, từ khi họ còn công tác ở cơ sở, kinh qua nhiều vị trí khách nhau, những thói hư, tật xấu theo đó mà “phát triển” dần lên. Để khi, họ được đề bạt, bổ nhiệm lên những vị trí thuộc thẩm quyền của Trung ương quản lý thì hành vi tham nhũng của họ mới bị phát hiện và xử lý. Lúc này, việc giải quyết và khắc phục hậu quả trở nên khó khăn, phức tạp hơn. Do vậy, việc thành lập BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng từ sớm, từ xa, từng bước tiến tới hạn chế, triệt tiêu hành vi, mầm mống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, góp phần giảm thiểu mức độ ảnh hưởng, hậu quả, thiệt hại do tham nhũng gây ra. Đồng thời, đây cũng là giải pháp khả thi để tiến tới giải trừ tận gốc căn bệnh nguy hiểm này.

Việc kiện toàn BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng là một trong những giải pháp để cởi bỏ nút thắt đối với tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong công tác này đã tồn tại bấy lâu; là liều thuốc thử cho lòng nhiệt huyết, sự tận tâm, vì Nhân dân phục vụ của cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như người đứng đầu các địa phương đối với công cuộc “đốt lò”. Chủ trương giao “lò” xuống cấp tỉnh là để trao thêm quyền, gắn với trách nhiệm của các tỉnh ủy, thành ủy; đặt người đứng đầu địa phương khi ngồi vào chiếc ghế trưởng “lò” phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu hoàn thiện mình, đề kháng trước những cám giỗ, tiêu cực; đứng vững trước những thói hư, tật xấu; luôn giữ gìn sự liêm chính, trong sạch; dám lên án phê phán, đấu tranh, bài trừ những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực thì mới mong hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Đồng thời, là cơ sở để đánh giá, sàng lọc, phát hiện và thanh loại ra khỏi bộ máy những người không đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, suy thoái, biến chất, những “quan tham cách mạng” đang từng ngày, từng giờ “gặm nhấm”, “đục khoét” đe dọa đến sự tồn vong của quốc gia, dân tộc.

Tóm lại, việc thành lập BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là quyết sách đúng đắn, sáng suốt, có tính tất yếu và phù hợp với thực tiễn; khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược của Đảng trong lãnh đạo công cuộc “đốt lò”. Thời gian tới, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, công tác này cũng sẽ gặp phải không ít khó khăn, thách thức... Do vậy, mỗi cơ quan, ban, ngành, đoàn thể xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, chủ động, tích cực học tập, quán triệt sâu sắc, toàn diện, triệt để đường lối, chủ trương, sách lược và biện pháp của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có chủ trương thành lập BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời với đó, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về sự cần thiết, tính tất yếu của chủ trương này trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay. Qua đó, quy tụ và phát huy tối đa tinh thần, sức mạnh Việt Nam trong đấu tranh, bài trừ tham nhũng, bảo vệ sự sống còn của Đảng, sự tồn vong của chế độ, phấn đấu vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Kiến Văn


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo