Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Thể thao Việt Nam với ASIAD 2018 và tầm nhìn Olympic 2020

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện (bên phải) trao cờ Quyết thắng cho Đoàn thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 2018. Ảnh: QDND.VN
Không chỉ thể thao Việt Nam mà tất cả những nền thể thao trên thế giới đều coi Olympic là đỉnh cao nhất để hướng tới và chinh phục danh hiệu. Nói đến thi đấu tại các đấu trường lớn thì không thể nào đi từ đỉnh xuống, mà phải từ quần chúng đi lên.

Với thể thao Việt Nam thì phải bắt đầu bằng hội khỏe Phù Đổng, Đại hội thể dục thể thao toàn quốc đi lên SEA Games, ASIAD và cuối cùng là Olympic. Đó là một quy trình mà giải đấu nhỏ sẽ là tiền đề vững chắc để hướng tới những giải đấu lớn và cao nhất. Trong quá trình đó thì ngành thể thao luôn luôn chú ý đến việc phải làm sao kêu gọi được sự đầu tư của các ngành, các cấp, các địa phương để chọn ra được những vận động viên (VĐV) tài năng. Các địa phương phải xác định để có được sức mạnh tập thể chung thì phải chắt lọc từ mặt bằng để lựa chọn ra những gương mặt tiêu biểu. Ví như để có được kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên là phải nói đến sự sàng lọc, chăm bẵm, đầu tư lớn của thể thao quân đội.

Thông thường có hai cách lựa chọn VĐV. Cách đầu tiên mà ta vẫn hay làm từ nhiều năm trước là “ngắt ngọn”. Nghĩa là ta cử các huấn luyện viên (HLV) đến địa phương tìm nhân tài về thể thao. Ở thời điểm đó không có quy trình đào tạo VĐV đỉnh cao theo khoa học mà lấy những người khá nhất từ các giải quần chúng. Đây là cách làm không sai, nhưng nếu phụ thuộc vào cách làm này thì chúng ta không thể theo kịp được trình độ thể thao thành tích cao của những nước phát triển. Cách làm thứ hai là lựa chọn những VĐV nhí tài năng, sau đó đưa đi tập huấn nước ngoài để nâng cao chuyên môn. Đây là cách làm thường thấy ở những nền thể thao tiên tiến và thể thao Việt Nam cũng đã, đang áp dụng khá thành công. Đi đầu trong phong trào này phải kể tới thể thao Hà Nội. Từ năm 1994, ngành thể thao Hà Nội đã chú trọng, dành một khoản kinh phí hợp lý để mời chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam tuyển chọn các tài năng nhí từ các trường học, hội khỏe Phù Đổng để đưa sang nước ngoài đào tạo. Hiệu quả trong hướng đi mới này là những lứa VĐV “vàng” như: Thanh Trà, Ngân Thương, Phước Hưng, Hà Thanh... đã giúp thể thao Hà Nội thắng lớn tại SEA Games 2003, góp phần giúp thể thao Việt Nam lần đầu dẫn đầu khu vực với số lượng huy chương vàng kỷ lục (158). Đây chính là kỳ đại hội mang tính bước ngoặt giúp thể thao Việt Nam luôn có mặt trong tốp 3 Đông Nam Á ở các kỳ SEA Games sau đó. Đây là ví dụ cho thấy con đường hướng tới thể thao thành tích cao là phải đầu tư “ươm mầm” chứ không phải là “ngắt ngọn”.

Chú trọng vào đào tạo VĐV không chỉ giúp thể thao Việt Nam chinh phục những đỉnh cao ở SEA Games mà còn từng bước khẳng định chỗ đứng ở ASIAD và xa hơn là Olympic. Con đường từ SEA Games đến Olympic là cả một chặng đường dài, nhiều chông gai thử thách, đòi hỏi thể thao Việt Nam phải có chiến lược, kế hoạch, tầm nhìn xa trông rộng. Ngoài chiến thuật thì công tác đào tạo “liên thông” rất được ngành thể thao Việt Nam chú trọng. Từ hội khỏe Phù Đổng, chúng ta chọn ra những VĐV tài năng tiếp tục đào tạo, nuôi dưỡng để thi đấu ở Đại hội thể dục thể thao toàn quốc rồi tranh tài ở SEA Games trước khi “vươn ra biển lớn” ở các giải đấu cao hơn là ASIAD và Olympic. Sau những giải đấu gây thất vọng, chúng ta đã bước đầu gặt hái được thành tích ở đấu trường châu lục và thế giới. Có thể kể tới Trần Hiếu Ngân (Huy chương Đồng taekwondo ASIAD 1998), Hoàng Anh Tuấn (Huy chương Bạc cử tạ ASIAD 2006 và Olympic Bắc Kinh 2008), Dương Thúy Vi (Huy chương Vàng wushu ASIAD 2014)... Cứ thế, tin vui nối tiếp đến với thể thao Việt Nam khi đã đi đúng lộ trình. Đỉnh cao là tấm Huy chương Vàng Olympic Rio 2016 của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Đây giống như một trận mưa rào giúp giải hạn cho nền thể thao Việt Nam sau bao năm mòn mỏi chờ đợi.

Với sự chỉ đạo, định hướng rất đúng và trúng đã giúp thể thao Việt Nam có nhiều tiến bộ trong thời gian qua. Chúng ta cần phải tuyên dương những đơn vị đi đầu, đóng góp nhiều nhân tài cho thể thao nước nhà, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và quân đội. Đây là “ba ngọn cờ đầu” trong phong trào thể thao đã gặt hái được nhiều thành công bởi những cách làm mới, sáng tạo, bắt kịp sự phát triển của thời đại. Cùng với đó, ngành thể thao Việt Nam đã chú trọng xây dựng lộ trình để chinh phục những giải đấu lớn khi không đầu tư dàn trải mà tập trung vào những môn Olympic với các VĐV trọng điểm, biết huy động những nguồn lực sẵn có, nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư cho các VĐV tập luyện, tập huấn và thi đấu các giải quốc tế. Ví như Ánh Viên (bơi), Tú Chinh (điền kinh)... có những chuyến tập huấn nước ngoài như “cơm bữa” để liên tục nâng cao thành tích thi đấu. Chính sách thu hút nhân tài, chế độ đãi ngộ cũng được ngành thể thao đặc biệt quan tâm, giúp đời sống của VĐV ngày một nâng cao.

Không phải ngẫu nhiên mà ngành thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu giành 3-5 huy chương vàng ở ASIAD 2018. Chúng ta đang làm rất tốt việc đào tạo VĐV liên thông từ các giải nhỏ đến các giải lớn; xây dựng một lộ trình hợp lý cho các VĐV tranh tài ở các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới. Thực tế, thể thao Việt Nam có tới 10 cơ hội giành “vàng” ở á vận hội đợt này. Trong đó, nhảy xa, bơi lội, taekwondo, wushu, pencak silat, đấu kiếm, cử tạ, vật nữ, thể dục dụng cụ là những môn mà thể thao Việt Nam có thể kỳ vọng. Nếu các VĐV chọn đúng điểm rơi phong độ, thi đấu đúng như kỳ vọng và cộng thêm yếu tố may mắn, thể thao Việt Nam hoàn toàn có thể vượt chỉ tiêu đề ra tại ASIAD 2018.

Xạ thủ Quân đội Hoàng Xuân Vinh được kỳ vọng lớn sau thành công ở Olympic Rio 2016. Ảnh: AFP Xạ thủ Quân đội Hoàng Xuân Vinh được kỳ vọng lớn sau thành công ở Olympic Rio 2016. Ảnh: AFP

ASIAD 2018 chưa phải là đích đến của các VĐV bởi Olympic 2020 mới là đỉnh cao mà nhiều VĐV hướng tới. Sau tấm Huy chương Vàng bắn súng Olympic Rio 2016 của Hoàng Xuân Vinh, nhiều ý kiến cho rằng thể thao Việt Nam cần phải giữ vững được thành tích, thậm chí là giành hai huy chương vàng. Thực tế, thể thao Việt Nam hướng tới Olympic với hai mục tiêu. Mục tiêu thứ nhất là hội nhập, có nghĩa là phải tập luyện thật tốt để tham dự. Thứ hai, khi đã hội nhập được thì đó mới là lúc hướng tới những đỉnh cao theo đúng khẩu hiệu “nhanh hơn, cao hơn và mạnh hơn”.

Trong thể thao, đầu tư vào đào tạo trẻ quan trọng nhưng việc biết mình đang ở đâu lại càng quan trọng hơn. Trình độ của Việt Nam đang nằm ở sân chơi SEA Games. Tuy đó được ví như “ao làng” nhưng nếu chúng ta tập trung và đầu tư cho giải đấu này thì đây sẽ là nền tảng để “vươn ra biển lớn”. Và để “tỏa sáng” ở SEA Games, ta cần chú trọng vào những giải đấu nhỏ trong nước để có nền tảng vững chắc.

Từ SEA Games, ta bắt đầu tràn sang ASIAD và lách lên Olympic!

Hoàng Vĩnh Giang
Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam
(Theo QDND.VN)

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo