Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam tăng trưởng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á

Quang cảnh Hội nghị.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 10/12, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị 10 năm hoạt động và phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ.

Thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) chuyên biệt chính thức đi vào hoạt động tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội từ ngày 24/9/2009, nhằm đáp ứng yêu cầu huy động vốn cho đầu tư phát triển, góp phần hoàn thiện cấu trúc của thị trường vốn, thị trường tài chính Việt Nam.

Qua 10 năm hoạt động, thị trường TPCP đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho đầu tư phát triển; thị trường TPCP đã và đang đóng vai trò then chốt để phát triển thị trường trái phiếu, sản phẩm TPCP là công cụ đầu tư an toàn, hiệu quả cho các loại hình nhà đầu tư.

Vụ trưởng Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Phan Thị Thu Hiền, cho biết, quy mô thị trường TPCP đến hết tháng 11/2019 bằng 25,1% GDP năm 2019, gấp 12 lần so với năm 2009. Khối lượng giao dịch bình quân/phiên trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 9.000 tỷ đồng/phiên, tăng 24 lần so với năm 2009, bằng 0,9% dư nợ trái phiếu niêm yết. Thị trường TPCP Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 27%/năm trong thập kỷ vừa qua là mức tăng cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Á.

Điểm nổi bật nhất phải kể đến trong 10 năm qua đó là khung pháp lý cho hoạt động của thị trường liên tục được đổi mới, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường theo thông lệ quốc tế. Thị trường TPCP đã ngày càng trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn có hiệu quả cho ngân sách Nhà nước, công tác phát hành TPCP đã gắn với tái cơ cấu nợ Chính phủ theo hướng bền vững.

Trong giai đoạn 2009-2019, kênh phát hành TPCP đã huy động được 1,96 triệu tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước, bình quân đạt khoảng 175 nghìn tỷ đồng/năm, kênh TPCP bảo lãnh huy động được 385.151 tỷ đồng, bình quân khoảng 35.014 tỷ đồng/năm. Trong những năm gần đây, kênh huy động vốn TPCP chiếm 75% - 80% trong năm.

Trong các năm tiếp theo, đặc biệt là giai đoạn 2021-2025, chủ trương của Chính phủ là phát huy nội lực, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh nhu cầu huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế xã hội tiếp tục ở mức cao, nguồn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài giảm, mục tiêu đặt ra là phát triển thị trường TPCP để làm nền tảng cho sự phát triển của thị trường trái phiếu và thị trường tài chính; TPCP trở thành công cụ đầu tư an toàn, hiệu quả, có tính thanh khoản cao cho các ngân hàng thương mại, hệ thống bảo hiểm, các loại hình quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài.

Để đạt được mục tiêu này, bà Phan Thị Thu Hiền cho biết cần tiếp tục thực hiện Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2030; Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Trong đó, đối với thị trường sơ cấp, tập trung gắn kết giữa công tác huy động vốn TPCP với điều hành ngân sách Nhà nước và quản lý ngân quỹ; xác định cụ thể khối lượng huy động vốn hàng năm; thực hiện nhịp nhàng việc phát hành TPCP với tái cơ cấu nợ thông qua các nghiệp vụ mua lại, hoán đổi để vừa phát triển thị trường TPCP vừa cơ cấu lại nợ công theo hướng an toàn, bền vững.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo