Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Thủ tục hành chính vẫn còn là điểm nghẽn

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: TTBC)

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 29/6, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng năm 2022. Tham dự và chủ trì phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.

Nhận diện tồn tại vướng mắc, từng bước tháo gỡ khó khăn

Phát biểu khai mạc phiên họp, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, cuộc họp có nhiều nội dung quan trọng, bên cạnh việc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng, hội nghị còn đánh giá sơ kết 1 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ; Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của TP cần đánh giá kinh tế của TP đã phục hồi mạnh mẽ, đồng bộ chưa? Có ý kiến chuyên gia cho rằng việc phục hồi chưa đạt mức tiềm năng. Về mặt tồn tại, hạn chế, theo đánh giá trong 6 tháng đầu năm, UBND TP và các ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức có nhiều nỗ lực tháo gỡ vướng mắc để tiếp tục phát triển kinh tế, tăng cường sự lưu thông nguồn vốn, tạo việc làm, tạo ra giá trị cho doanh nghiệp… Tuy nhiên, giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn là điểm nghẽn vì vướng nhiều thủ tục, dự án, không tạo ra giá trị cho nền kinh tế, doanh nghiệp. “Do vậy, cần nhận định về phục hồi, nhận diện tồn tại vướng mắc, để từng đơn vị từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để công việc được chạy nhanh, nhằm đẩy nhanh phục hồi và tăng tốc trong năm 2023. Nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm không chỉ hoàn thành các chỉ tiêu còn lại trong năm 2022 mà còn tạo đà tăng tốc hơn trong năm 2023.” - đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị.

Bên cạnh đó, hội nghị cần tập trung góp ý, thảo luận những vấn đề còn vướng mắc khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, chuyển đổi số, đẩy nhanh đề án logictis, phục hồi phát triển du lịch, nhận diện thực trạng lao động hiện nay để có những giải pháp thời gian tới về phát triển văn hóa, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, kiểm soát dịch bệnh, giải quyết tháo gỡ điểm nghẽn thủ tục hành chính về đất đai, dự án giao thông, giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, phản ánh vướng mắc về thực hiện mô hình chính quyền đô thị…

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: TTBC) Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: TTBC)

Các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, kinh tế TPHCM tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh. Các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,1% so với cùng kỳ, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 7,1% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP qua cửa khẩu cả nước ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ; Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp TP qua cửa khẩu cả nước ước đạt 34,2 tỷ USD, tăng 13,7% so cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 49.681 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 238.648,063 tỷ đồng, đạt 61,74% dự toán năm và tăng 17,49% so với cùng kỳ; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 68.700 tỷ đồng, đạt 58,97% dự toán, tăng 9,62% so cùng kỳ so với cùng kỳ.

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng của 3/4 khu vực tuy có tăng nhưng tốc độ tăng chưa cao, chưa tận dụng hết dư địa để phát triển. Một số ngành có chỉ số lao động giảm như: Sản xuất phương tiện vận tải giảm 36,3%; sản xuất đồ uống giảm 22,4%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 21,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 16,6%. Tỷ lệ giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2022 chưa đạt như kỳ vọng. Mặc dù Thành ủy, HĐND, UBND TP đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhưng công tác thực hiện các dự án đầu tư công vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế. Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của TPHCM còn thấp, nằm trong nhóm B, so với năm 2020, chỉ số cải cách hành của TPHCM đã tụt hạng xuống hạng 43 với chỉ số 86,05% (năm 2020 xếp hạng 23, chỉ số 84,7%)…

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tại hội nghị. (Ảnh: TTBC) Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tại hội nghị. (Ảnh: TTBC)

Báo cáo về kết quả thực hiện sau 1 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, đồng chí Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP thông tin, bên cạnh mặt thuận lợi trong quá trình thực hiện, TP cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc và hạn chế do một số cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách chưa có điều kiện thực hiện như cơ chế huy động nguồn lực thực hiện dự án, phát triển kinh tế, xã hội; tiềm năng lợi thế của TP chưa được khai thác tối đa để phát triển nhanh, bền vững. Khi thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội, không có HĐND ở quận, phường, số biên chế giảm theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương là 313 (4 biên chế/quận, 1 biên chế/phường). Việc sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ và giải quyết chế độ chính sách đối với các trường hợp dôi dư với số lượng lớn cũng ít nhiều ảnh hưởng, xáo trộn về công tác tổ chức, bộ máy của các cơ quan, đơn vị. Việc ban hành chính sách hỗ trợ của địa phương khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính còn chậm, nguyên nhân cũng xuất phát từ việc thiếu cơ sở pháp lý để ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương…

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo