Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Thực hiện tổ chức chính quyền đô thị để bảo đảm tính ổn định, lâu dài

Việc thực hiện tổ chức chính quyền đô thị sẽ giúp giảm thời gian giải quyết công việc

(Thanhuytphcm.vn) - TPHCM là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. Với quy mô kinh tế và cường độ hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước, yêu cầu đặt ra là các quyết định quản lý hành chính của chính quyền TP phải được triển khai đến chính quyền cơ sở, đến người dân, doanh nghiệp nhanh và chính xác, được thi hành kịp thời, đồng bộ, hạn chế việc các cấp trung gian diễn đạt và hướng dẫn lại. Do đó, TP tiến hành xây dựng Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt. Vì vậy, TPHCM kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép TP được chính thức thực hiện tổ chức chính quyền đô thị để bảo đảm tính ổn định, lâu dài.

Bộ máy chính quyền cơ sở tinh gọn hơn

Theo UBND TP, Đề án tập trung nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính như: Về tổ chức chính quyền tại TPHCM là tổ chức chính quyền địa phương ở TP, TP thuộc TPHCM, huyện, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. Tổ chức chính quyền địa phương ở quận và phường thuộc TP là UBND quận, UBND phường. UBND quận, phường là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng.

Về thực hiện quyền đại diện của Nhân dân, quyền làm chủ của Nhân dân, khi thực hiện không tổ chức HĐND quận, phường, bộ máy chính quyền cơ sở tinh gọn hơn, quyền đại diện và quyền dân chủ, quyền được tiếp nhận thông tin của người dân vẫn được đảm bảo và duy trì ở mức độ cao như trước đây.

Cụ thể, về thực hiện quyền đại diện của Nhân dân, khi không tổ chức HĐND quận, phường, quyền đại diện của người dân tiếp tục được duy trì và phát huy thông qua nhiều kênh như: Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội; Thường trực HĐND TP, các ban, tổ đại biểu, đại biểu HĐND TP, cấp ủy, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và đặc biệt là sự phản ánh của Khu phố và ý kiến trực tiếp của người dân thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân phường và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. UBND các phường tăng cường công tác giao ban với Trưởng khu phố; UBND quận giao ban với UBND phường để kịp thời nắm tình hình và giải quyết nguyện vọng của người dân.

Về quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường các kênh, phương tiện công khai, minh bạch các chế độ, chính sách đến Nhân dân; cung cấp, công bố các thông tin, các quy định, chính sách mới của Đảng và Nhà nước đến Nhân dân. Vai trò của hệ thống chính quyền điện tử của TP đã và đang phát huy hiệu quả rõ nét trong việc làm tốt vấn đề này. Đồng thời, duy trì và tăng cường sự tham gia của Nhân dân trong hoạt động điều hành, quản lý của chính quyền thông qua dân chủ trực tiếp như tham gia trực tiếp thông qua đối thoại với lãnh đạo UBND. Qua công tác tiếp dân, tiếp xúc cử tri, lãnh đạo UBND các cấp trực tiếp lắng nghe và tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của người dân đóng góp xây dựng chính quyền; tiếp nhận thông tin và giải quyết những khiếu nại, tố cáo của cử tri.

Mặt khác, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tham gia xây dựng chính quyền. Cụ thể như phân công thành viên UBND tham gia các cuộc họp của khu phố; qua hộp thư góp ý hoặc sổ góp ý; nghe Nhân dân trao đổi, phản ánh ý kiến trực tiếp trong các cuộc họp hoặc gửi phiếu xin ý kiến về các công trình thực hiện theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”; góp ý các quy ước, công việc nội bộ khu dân cư. Khi không tổ chức HĐND phường, một số việc quan trọng, UBND phường thông qua Khu phố và MTTQ Việt Nam để Nhân dân tham gia ý kiến trước khi quyết định; lập sổ theo dõi phản ánh, kiến nghị của các Trưởng khu phố để kịp thời giải quyết.

Giảm thời gian giải quyết công việc

Đề cập về tác động của việc triển khai không tổ chức HĐND ở quận và phường tại TP, theo UBND TP, nội dung Đề án đã cụ thể hóa và góp phần thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo UBND TP, việc thực hiện tổ chức chính quyền đô thị để bảo đảm tính ổn định, lâu dài Theo UBND TP, việc thực hiện tổ chức chính quyền đô thị để bảo đảm tính ổn định, lâu dài

Đồng thời, việc xây dựng và thực hiện Đề án góp phần cung cấp các luận cứ khoa học để hoàn thiện chủ trương, pháp lý về xây dựng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị nói chung và của chính quyền địa phương nói riêng.

Về tác động đến cơ cấu tổ chức bộ máy hiện nay, số lượng cán bộ, công chức ở những quận, phường khi không tổ chức HĐND, UBND TP cho rằng, bộ máy cơ cấu tổ chức của các quận, phường được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thông suốt, cơ quan hành chính ở quận, phường tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách của địa phương trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm của mỗi vị trí việc làm. Nhân sự của UBND quận, phường đều thực hiện chế độ bổ nhiệm nên thuận lợi trong chỉ đạo điều hành các công việc hành chính trên địa bàn, linh hoạt hơn trong công tác cán bộ. Thực hiện tinh giản biên chế, giảm được phần chi ngân sách cho hoạt động của HĐND TP và phụ cấp đại biểu HĐND ở quận và ở phường. Góp phần cải cách hành chính, giảm bớt trình tự, thủ tục trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương quận, phường, giảm thời gian giải quyết công việc.

Một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay là về sắp xếp, bố trí và giải quyết các chế độ, chính sách đối với số lượng cán bộ dôi dư khi thực hiện Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, theo UBND TP, TP rà soát, sắp xếp, bố trí cán bộ đủ điều kiện để tiếp tục làm việc tại các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến phường. Cán bộ dôi dư (kể cả những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn giữ lại làm việc nhưng tự nguyện xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác...) thì giải quyết chế độ, chính sách theo quy định hiện hành. Về chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư thì căn cứ theo từng đối tượng mà thực hiện các chế độ, chính sách theo các quy định của Chính phủ.

Ngoài những chế độ, chính sách theo quy định, trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, UBND TP trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ dôi dư khi thực hiện Đề án.

Hải Liên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo