Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ:

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Điều hành giá
(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 3/7, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã họp về tình hình thực hiện công tác điều hành giá 6 tháng đầu năm và dự báo, kiến nghị công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2019. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, mặt bằng giá cả thị trường trong nửa đầu năm 2019 biến động theo hướng tăng tương đối cao trong tháng diễn ra Tết Nguyên đán, giảm nhẹ trong tháng 3, tăng dần trở lại trong hai tháng tiếp theo, sau đó giảm trở lại vào tháng 6. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6/2019 giảm 0,09% so với tháng trước, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng 2,64%. Như vậy, diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm tương đối sát với dự báo từ đầu năm và nằm trong kịch bản CPI tăng thấp.

Nguyên nhân chủ yếu góp phần làm CPI 6 tháng đầu năm tăng thấp so với dự báo do giá lương thực giảm do nguồn cung trong nước dồi dào và nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới giảm, giá thịt lợn giảm mạnh từ tháng 3 đến tháng 5 do chịu ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, giá dịch vụ y tế giảm 0,1% so với tháng 12/2018 do điều chỉnh giảm giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người không có thẻ bảo hiểm y tế tại một số địa phương theo Thông tư số 37/2018/TT-BYT, giá xăng dầu trong nước giảm trở lại từ nửa cuối tháng 5 đến nay.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý điều hành với mức độ và thời điểm phù hợp, hạn chế tác động đến mặt bằng giá chung và lạm phát kỳ vọng, điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm linh hoạt...

Ở chiều ngược lại, các nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2019 do giá nhiên liệu, chất đốt trong nước (xăng dầu, LPG) tăng theo giá thế giới,  tác động của việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (điện, sách giáo khoa)…

Báo cáo về dịch vụ khám, chữa bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin, việc thực hiện mức giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37/2018/TT-BYT chỉ tác động đến khoảng 12% dân số chưa tham gia BHYT và tác động giảm đến CPI, do trong số các dịch vụ y tế được điều chỉnh nằm trong giỏ hàng hóa tính CPI thì có dịch vụ tăng nhưng cũng có dịch vụ giảm và các dịch vụ giảm giá có mức giảm sâu hơn với tỷ lệ sử dụng dịch vụ nhiều hơn, trong khi các dịch vụ khác có mức tăng thấp. Tuy nhiên, để tránh việc tác động đến tâm lý trong bối cảnh điều chỉnh tăng giá xăng dầu và giá điện thời gian qua, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị các địa phương tạm dừng việc điều chỉnh, trừ trường hợp việc điều chỉnh giá y tế tác động giảm đến CPI.

Ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác điều hành giá 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, CPI 6 tháng đầu năm tăng 2,64%, thấp khá xa so với mục tiêu 4% Quốc hội đề ra và là mức thấp nhất trong 3 năm gần đây, kết quả này góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, tạo dư địa tốt cho điều hành giá 6 tháng cuối năm cũng như mục tiêu điều hành và kiềm chế lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ.

Đề cập đến công tác quản lý, điều hành giá 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng đồng tình với kịch bản lạm phát bình quân năm 2019 từ 3,17 – 3,41%, kiên định mục tiêu đã đặt ra là điều hành lạm phát bình quân trong khoảng từ 3,3 – 3,9%. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ban Chỉ đạo tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu hiện như thịt lợn, vật liệu xây dựng, xăng dầu. Việc điều hành chính sách tài khóa cần chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành giữ ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá, giữ mức lạm phát cơ bản trong khoảng 1,8%. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo xin ý kiến Chính phủ cụ thể phương án điều chỉnh giá dịch vụ BOT. Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Công an tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, đấu tranh phát hiện và xử lý nghiêm những tiêu cực, gian lận trong quản lý và hạch toán doanh thu của các dự án BOT.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo