Thứ Tư, ngày 31 tháng 5 năm 2023

Tiếp tục triển khai cao điểm tấn công trấn áp mạnh các loại tội phạm

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên chất vấn

(Thanhuytphcm.vn) - Trưa 10/8, phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đối với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã kết thúc với 27 đại biểu (ĐB) đăng ký và có 26 ĐB phát biểu, 11 ĐB tranh luận, 1 ĐB gửi văn bản chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Công an.

Nâng cao tiềm lực để phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phiên chất vấn đã diễn ra rất sôi nổi với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, các ĐB đặc câu hỏi thẳng vào nội dung, tích cực tranh luận, làm rõ những vấn đề được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm. Với tinh thần trách nhiệm và kinh nghiệm thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Bộ trưởng Bộ Công an đã trả lời hết những chất vấn và đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực trong thời gian tới.

Tại phiên chất vấn, thay mặt Chính phủ, báo cáo thêm về một số vấn đề ĐB Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp, còn để xảy ra một số vụ phạm tội có tính chất nghiêm trọng. Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội nhằm phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện quyết liệt các nhóm giải pháp như triển khai thực hiện có hiệu quả Luật An ninh mạng; tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống tội phạm, sử dụng công nghệ cao. Tăng cường tuyên truyền để các cơ quan, tổ chức và người dân nâng cao nhận thức, từ đó nâng cao cảnh giác và chủ động phòng ngừa hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc trên mạng. Tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin Truyền thông (TT-TT) và các nhà cung cấp dịch vụ mạng triển khai các giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn, loại bỏ các thông tin xấu, cũng như ngăn chặn các hành vi đánh bạc. Tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cao tiềm lực để phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Cùng với đó, thường xuyên tổ chức tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và hậu quả của tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, tín dụng đen, cho vay nặng lãi trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức đa dạng, dễ tiếp cận để nhân dân biết, phòng ngừa và tham gia tố giác tội phạm. Tiếp tục triển khai các cao điểm tấn công trấn áp mạnh các loại tội phạm, trong đó có tội phạm về ma túy, tín dụng đen, cho vay nặng lãi, góp phần răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Có giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại không chính chủ, tạo lập website để thực hiện các hành vi phạm tội. Tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, góp phần hạn chế việc người dân phải tìm đến tín dụng đen.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông)

Tham gia “chia lửa” cùng Bộ trưởng Tô Lâm, về vấn đề bóc gỡ thông tin sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thông tin xấu độc hiện nay chủ yếu xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới. Một số nghị định về quản lý các nền tảng xuyên biên giới đã được sửa đổi và được ban hành trong quý 3 này, sẽ tạo hành lang pháp lý rất quan trọng để quản lý các nền tảng xuyên biên giới thực thi pháp luật tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các nền tảng như Facebook, Youtube đã nâng tỷ lệ đáp ứng yêu cầu của các cơ quan nhà nước từ dưới 20% năm 2018 đã lên 90% - 95% hiện nay. Về giám sát không gian mạng, Bộ TT-TT đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm An toàn không gian mạng quốc gia để phát hiện sớm các thông tin xấu độc, sai sự thật. Khả năng xử lý của Trung tâm này đã tăng từ 100 triệu tin/ngày lên 300 triệu tin/ngày. Từ năm 2021, Bộ TT-TT cũng đã thành lập Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam để tiếp nhận các phản ánh của người dân về tin giả để xử lý.

Bộ TT-TT đang soạn thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc các bộ ngành, địa phương phải có trách nhiệm phát hiện, tiếp nhận và xử lý rác trên không gian mạng thuộc lĩnh vực mình quản lý. Vừa qua, Bộ TT-TT đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm xây dựng các chuẩn mực về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, tuyên truyền về ý thức trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội, về hậu quả có thể gây ra các tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Không có chủ trương thu sổ hộ khẩu giấy

Một số ĐB chất vấn, trong những ngày gần đây, nhân dân rất quan tâm và lo lắng đối với thông tin về việc xóa bỏ hộ khẩu bằng giấy. ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy là theo quy định của luật, nhiều người dân khi đến cơ quan công an tiến hành các thủ tục liên quan đến hộ khẩu thì cơ quan công an thu sổ hộ khẩu giấy. Nhưng khi công dân đến cơ quan nhà nước để tiến hành các thủ tục như nhập học, nộp hồ sơ xin việc… vẫn được yêu cầu có sổ hộ khẩu giấy gốc để đối chiếu. Một số nơi đề ra giải pháp tạm thời là đến cơ quan công an xin xác nhận (có giá trị trong 6 tháng).

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an

“Điều đó cho thấy chưa có sự kết nối liên thông trong các thông tin về sổ hộ khẩu, căn cước công dân, các thủ tục của cơ quan nhà nước. Quy định đến ngày 31/12/2022 bỏ hẳn sổ hộ khẩu giấy, nhưng với với tình trạng quản lý và kết nối liên thông hiện nay sẽ gây khó khăn cho công dân. Đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp tối ưu nhất cho vấn đề này”- ĐB Nguyễn Trường Giang chất vấn.

Về điều này, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an không có chủ trương thu sổ hộ khẩu giấy, đây có thể là trường hợp cá biệt, Bộ sẽ kiểm tra và chấn chỉnh. Bên cạnh đó, trong lộ trình xóa bỏ hộ khẩu, Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ ngành rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến hộ khẩu, sổ tạm trú để sửa đổi phù hợp. Thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác để khai thác thông tin, phục vụ rút ngắn các thủ tục hành chính. Cùng với đó, khẩn trương hoàn thiện Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, đẩy mạnh việc cấp căn cước công dân gắn chip.

Phát biểu trước khi kết thúc phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết thêm, theo quy định, việc thu sổ hộ khẩu chỉ thực hiện khi có sự điều chỉnh thông tin mới, chứ không phải chủ trương thu tất cả các hộ.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo