Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tìm giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cho ngành logistics

Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng phát biểu tại diễn đàn (ảnh: Đan Như)

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 30/9, Sở Công thương TPHCM phối hợp Hội Logistics TP, Trường Đại học Hoa Sen tổ chức diễn đàn Logistics TPHCM lần thứ 1, năm 2022 với chủ đề “Vị thế Logistics của TPHCM từ góc nhìn cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực”. Đến dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng; đại diện Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải; các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về logistics, lãnh đạo các Hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp;…

Phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cho biết, trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển kinh tế của mình, TPHCM xác định ngành logistics là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế TP. Vai trò quan trọng đó cũng đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI xác định “Đề án Phát triển ngành logistics TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là một trong 49 Chương trình, Đề án trọng tâm phát triển kinh tế TP. Theo đó, TP đặt mục tiêu phải phát triển logistics trở thành một ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. TP phấn đấu, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp TP đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030. Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TPHCM đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%. Đồng thời, góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10%-15%.

Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cho biết, đến nay, sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, TP đã định hình được hướng đi và đang tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong chuỗi kế hoạch tổng thể phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung hình thành các trung tâm logistics, phát triển nguồn nhân lực là các nhiệm vụ then chốt trong 3 trụ cột chính phát triển ngành logistics TP.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng, bên cạnh những thuận lợi trong quá trình triển khai, TP cũng nhìn nhận có 2 điểm nghẽn lớn đang cản trở sự phát triển logistics TP. Đó là điểm nghẽn về hạ tầng logistics và phát triển nguồn nhân lực.

Đối với điểm nghẽn về hạ tầng logistics, vướng mắc hiện nay là hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của TP, đặc biệt là các tuyến đường vành đai kết nối TP với các tỉnh Đông - Tây Nam bộ triển khai còn chậm. Do đó, giao thương hàng hóa hai chiều giữa TP với các tỉnh còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Liên quan đến phát triển các trung tâm logistics, TP chỉ mới có Trung tâm logistics Khu Công nghệ cao (6ha) đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư để triển khai xây dựng. Các trung tâm logistics còn lại chủ yếu ở giai đoạn lập quy hoạch phân khu (1/2000). Trong khi đó, cũng trên địa bàn TP, các dự án “tương tự trung tâm logistics” như kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi… đang được các doanh nghiệp triển khai xây dựng.

Về điểm nghẽn thứ hai là phát triển nguồn nhân lực, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cho biết, khi nói đến lợi thế cạnh tranh của TP so với các tỉnh, thành thì nguồn nhân lực được xem là lợi thế cạnh tranh lớn nhất. TP có số lượng các trường đào tạo từ bậc trung cấp, cao đẳng, đến đại học, sau đại học cao nhất cả nước. TP cũng là nơi tập trung đến 54% tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của cả nước. Vì vậy, TP là môi trường hành nghề logistics lớn nhất nước, cung cấp nhân lực logistics cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, khi đánh giá về hiện trạng công tác đào tạo thì mối liên kết giữa hệ thống các trường đào tạo với các doanh nghiệp logsitics còn chưa chặt chẽ, thiếu sự tương tác, kết nối để nắm bắt nhu cầu từ đào tạo đến đầu ra. Mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực logistics cũng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của TP.

Cần đầu tư kịp thời cho lĩnh vực logistics

Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát triển ngành Logistics của TP. Nhiều ý kiến cho rằng với quy mô thị trường hơn 12 triệu người, TPHCM là thị trường tiêu thụ, vừa là trung tâm phân phối hàng hóa lớn nhất nước. Đồng thời, TP vừa cạnh tranh các tuyến hàng hải trọng yếu, vừa có hậu phương đất liền thuận lợi, kết nối, lưu chuyển hàng hóa đa phương thức với nhiều nước. Vì vậy, TPHCM có thuận lợi trong khối ASEAN về thương mại và vận tải quốc tế khi tiến hành hội nhập kinh tế quốc tế liên tục được mở rộng. Từ đó, nhiều ý kiến đề nghị TPHCM cần quan tâm đầu tư kịp thời cho lĩnh vực logistics để có thể duy trì và phát huy được thế mạnh là cửa ngõ giao thương của cả khu vực phía Nam, đóng góp lớn hơn cho kinh tế TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Các đại biểu tham dự diễn đàn (ảnh: Đan Như) Các đại biểu tham dự diễn đàn (ảnh: Đan Như)

Để phát triển ngành logistics, đại diện Sở Công thương TP cho rằng, cùng với các chính sách phát triển doanh nghiệp logistics, cần thực hiện các giải pháp giảm chi phí logistics, trong đó nên có chính sách căn cơ từ cơ quan quản lý Nhà nước để điều phối chung các chi phí logistics. Phía các doanh nghiệp cũng cần có những đổi mới trong vận tải hàng hóa, đặc biệt áp dụng công nghệ để chủ động giảm chi phí vận hành. Một trong những giải pháp quan trọng là kết nối các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển logistics, hướng đến sự chia sẻ nguồn lực hạ tầng toàn vùng, trong đó TPHCM đóng vai trò “nhạc trưởng”.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Lê Huỳnh Minh Tú cũng đề xuất nên đào tạo hỗ trợ ngắn hạn cho các doanh nghiệp logistics có quy mô nhỏ và vừa. Nhiệm vụ này cần làm nhanh để bổ sung ngay nguồn nhân lực đang thiếu hụt của ngành logistics. TP đã xác định nhân lực ngành logistics sẽ liên tục dịch chuyển giữa TP và các tỉnh, vì vậy cũng nên thực hiện giải pháp là liên kết các tỉnh thành về đào tạo, để chia sẻ nguồn nhân lực này.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Cường - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TPHCM kiến nghị TP đẩy nhanh việc nghiên cứu và bổ sung quy hoạch đối với các cảng biển nước sâu tại khu vực Cần Giờ. Theo ông Huỳnh Văn Cường, việc bổ sung quy hoạch đối với cảng biển nước sâu tại khu vực Cần Giờ, là một trong những điều kiện quyết định để TPHCM tiếp tục duy trì là trung tâm logistics.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo