Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Cần cơ chế tuyển dụng sinh viên sư phạm

Sinh viên Đại học sư phạm trong một hoạt động ngoại khóa

(Thanhuytphcm.vn) - Thực hiện yêu cầu của Quốc hội, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đang tiến hành hàng loạt các hội thảo góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Qua các cuộc hội thảo cho thấy, còn nhiều vấn đề giáo dục cần tiếp tục được làm rõ.

Xã hội hóa giáo dục không phải chỉ là chuyện “tiền”

Tại phiên họp chuyên đề góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Thường trực Hội đồng chủ trì, nhiều ý kiến đã tập trung thảo luận về vấn đề xã hội hóa giáo dục. TS Phạm Thị Ly - Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực - cho rằng, mặc dù chủ trương xã hội hóa giáo dục đã được khẳng định từ lâu trong các nghị quyết của Đảng, của Chính phủ, và sự tham gia của khu vực tư đã tạo ra nhiều thay đổi đáng kể trong giáo dục, nhưng vẫn đang có những điểm bất cập đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc để có những chính sách phù hợp. Cho tới nay, các luật chuyên ngành về đất đai, tài chính, tín dụng, thuế đã có chính sách ưu đãi xã hội hóa nói chung nhưng chưa có chính sách riêng hỗ trợ chính sách xã hội hóa giáo dục. Các quy định về bảo hộ, ưu đãi, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực GD-ĐT còn chung chung, không cụ thể. Do đó, TS Phạm Thị Ly cho rằng, cần phải xác định lại quan điểm, hiểu đúng về xã hội hóa. Xã hội hóa không phải chỉ dựa vào học phí, xã hội hóa phải dựa vào các nguồn lực đa dạng của xã hội, không chỉ dựa vào người học. Điều này phải thể hiện rõ trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Về vấn đề này, nhiều ý kiến yên tâm khi dự thảo đã nêu nhiều điểm cụ thể để hỗ trợ cho khu vực giáo dục tư, chẳng hạn như Điều 96 quy định “các khoản đóng góp, tài trợ của cá nhân cho giáo dục được trừ vào thu nhập chịu thuế, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình phục vụ giáo dục, ủng hộ tiền hay hiện vật thì được xem xét để ghi nhận bằng hình thức thích hợp”. Các đầu tư và đóng góp cho giáo dục, cũng như chi phí của doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân viên cũng được tính là chi phí hợp lý được trừ khi tính thu nhập chịu thuế. Nhưng không chỉ sửa Luật Giáo dục, mà cần điều chỉnh các luật liên quan và ban hành những văn bản hướng dẫn thực hiện cẩn thiết để đẩy mạnh kênh đóng góp này.

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Ủy viên Hội đồng cho rằng, sửa Luật Giáo dục, chúng ta vẫn đang bàn chủ yếu đến giáo dục học đường, mà giáo dục học đường chỉ là một bộ phận chứ không phải tổng thể của giáo dục. Giáo dục còn có gia đình, cộng đồng. Vì vậy, khi nói tới xã hội hóa giáo dục là đòi hỏi toàn xã hội tham gia vào giáo dục, chứ không phải là biến báo xã hội hóa thành chuyện “tiền”. 

Bài toán nhà giáo cần được giải quyết căn cơ

Góp ý vào Luật Giáo dục sửa đổi, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cũng đã có nhiều ý kiến xác đáng. GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, với Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, Hiệp hội đề nghị bổ sung quy định “sách giáo khoa được xuất bản bằng tiền từ ngân sách nhà nước sẽ là sách giáo khoa mở, dù ở dạng in hay ở bất kỳ định dạng tệp điện tử nào”. Về vấn đề thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, Hiệp hội đồng ý với phương án 2 mà Ban soạn thảo đề xuất là giữ nguyên như Luật Giáo dục hiện hành. Cụ thể, học sinh học hết chương trình THPT nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được Giám đốc sở GD-ĐT tỉnh, thành cấp bằng tốt nghiệp THPT; được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông nếu có nhu cầu”.

Đặc biệt, Hiệp hội cho rằng, cần có cơ chế tuyển dụng sinh viên sư phạm-vì đội ngũ giáo viên là yếu tố sống còn đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục. Về phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp, Hiệp hội đồng ý với hướng chỉnh sửa bổ sung của dự thảo Luật là bổ sung quy định đặc thù về xác định biên chế và cơ chế tuyển dụng giáo viên cho sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm vào các cơ sở giáo dục công lập. Vấn đề này cần phải sửa Luật Viên chức. Luật Giáo dục cũng cần sửa đổi các quy định về lương và phụ cấp của giáo viên cho phù hợp với ngành giáo dục.

Nói về chính sách tín dụng đối với sinh viên sư phạm, GS-TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực – cho rằng, việc bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm mà thực hiện cho vay tín dụng sẽ bảo đảm sự bình đẳng như các ngành khác. Đây là điểm mới của dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Tuy nhiên trong thực tế, nếu tính về đầu tư, một học sinh giỏi sẽ chọn lựa ngành khác để khi ra trường thu nhập cao hơn. Vì vậy, trên cơ sở dự báo nhân lực, việc làm, chính sách học bổng và việc làm đối với sinh viên sư phạm cần ban hành sớm; còn nếu chỉ đặt ra vấn đề cho vay tín dụng rất khó để cải thiện tình hình khó tuyển người giỏi vào sư phạm như hiện nay.

Đối với việc phân công công việc cho sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp, GS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh cần làm rõ nhu cầu về số lượng giáo viên và giao quyền tuyển dụng cho các cơ sở giáo dục tuyển dụng để phù hợp với tình hình thực tiễn. Bộ GD-ĐT trên cơ sở nghiên cứu dự báo có kế hoạch giao chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo để đảm bảo về cơ cấu, số lượng, chất lượng; đảm bảo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp, tránh hiện tượng thừa thiếu.

Box: Vụ Pháp chế, Bộ GD-ĐT (Thường trực Ban soạn thảo Luật Giáo dục sửa đổi) cho biết, tính đến ngày 18-1-2019, Ban soạn thảo đã nhận được hơn 1,1 triệu ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Luật.

Trong đó, báo cáo của 52/63 sở GD-ĐT với 812.591 ý kiến; 195 phiếu góp ý kiến của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển Nhân lực; báo cáo từ 57 công đoàn giáo dục các tỉnh, 20 công đoàn giáo dục trường đại học với 353.113 người tham gia góp ý; 10 văn bản góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội-xã hội nghề nghiệp và xã hội, hiệp hội; 27 hội thảo, hội nghị, tọa đàm... hàng trăm bài báo giới thiệu, góp ý chuyên sâu...

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo