Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tình hình ô nhiễm môi trường không khí tại TPHCM diễn biến phức tạp

Hiện tượng mù quang hóa xảy ra trên địa bàn TPHCM vào giữa tháng 9/2019

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 9/10, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM tổ chức họp báo thông tin về diễn biến hiện tượng mù quang hóa và tình hình chất lượng môi trường không khí trên địa bàn TPHCM.

Nồng độ các chất ô nhiễm có xu hướng tăng

Tại buổi họp báo, Giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM) Cao Tung Sơn cho biết: Trong thời gian vừa qua, tình hình ô nhiễm môi trường không khí diễn biến khá phức tạp, đặc biệt trong khoảng thời gian từ ngày 18 đến ngày 25/9/2019, xuất hiện hiện tượng mù quang hóa gây cản tầm nhìn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường TP đang triển khai quan trắc chất lượng môi trường không khí hàng tháng tại 30 vị trí quan trắc với tần suất 10 ngày trong tháng vào 2 thời điểm (7 giờ 30 phút - 8 giờ 30 phút và 15 giờ - 16 giờ). Kết quả quan trắc ô nhiễm không khí 9 tháng đầu năm 2019 cho thấy: Ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn TPHCM chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra, với 50,8% số liệu bụi lơ lửng và 93,9% số liệu mức ồn quan trắc được tại 19 vị trí giao thông vượt quy chuẩn cho phép.

Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại các vị trí Cát Lái, Ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, Gò Vấp, An Sương, Bình Phước luôn có giá trị cao và thường xuyên vượt quy chuẩn. Trong đó, vị trí Cát Lái (tại vòng xoay Mỹ Thủy) có nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất với 99% số liệu bụi lơ lửng và 100% số liệu ồn quan trắc được trong 9 tháng đầu năm 2019 vượt quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, nhìn chung nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại 30 vị trí quan trắc trong 9 tháng đầu năm 2019 có xu hướng tăng so với 9 tháng đầu năm 2018.

Đề cập về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trên địa bàn TP, ông Cao Tung Sơn cho hay: Chủ yếu từ 3 loại nguồn chính là ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông; ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp; ô nhiễm không khí do các hoạt động xây dựng.

Nhiều giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường

Đề cập về giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, ông Cao Tung Sơn thông tin: Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường không khí và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; đồng thời, kiểm soát ô nhiễm không khí do giao thông. Cùng với đó, kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp như kiểm kê các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí từ các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí và xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường Cao Tung Sơn thông tin tại buổi họp báo Giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường Cao Tung Sơn thông tin tại buổi họp báo

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra giám sát các nguồn thải mà đặc biệt là các nguồn thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục và truyền số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát. Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý môi trường. Xây dựng phần mềm quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình ô nhiễm môi trường không khí.

Ngoài ra, tập trung kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động xây dựng như: Kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí và xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm của các công trình, dự án xây dựng. Đồng thời, khuyến khích sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, đảm bảo mật độ cây xanh trong xây dựng và quy hoạch. Thực hiện giãn mật độ dân số; tăng cường các mảng xanh, hồ nước… nhằm giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị và hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ vào ban đêm.

Mặt khác, tiếp tục công bố các số liệu quan trắc môi trường, đặc biệt là môi trường không khí lên các bảng điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường tần suất công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhằm nâng cao năng lực quan trắc môi trường. Trong đó, đầu tư 9 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, cố định và 1 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, di động. Tìm kiếm các nguồn tài trợ và xã hội hóa để tiếp tục đầu tư thêm 11 trạm quan trắc tự động liên tục không khí từ nay đến 2030.

Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý mạng lưới quan trắc môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng; xây dựng các phần mềm chuyên dụng để cung cấp thông tin về chất lượng môi trường đến người dân hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, điện thoại thông minh và tiến đến dự báo về ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn TP.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc bao giờ TPHCM có trạm quan trắc tự động, ông Cao Tung Sơn cho biết: Cuối năm 2019, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và năm 2020 triển khai thực hiện. Còn Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TPHCM là đề án mang tính tổng thể và được phân kỳ thực hiện từ nay đến năm 2030. Để triển khai việc này phải có nguồn lực và rút kinh nghiệm quá trình thực hiện. Do đó, việc phân kỳ là cần thiết để thực hiện.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP khuyến cáo người dân (đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi và phụ nữ có thai) trong các thời điểm xảy ra hiện tượng mù quang hóa hạn chế ra ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động thể thao ngoài trời. Nếu có nhu cầu ra ngoài cần đeo khẩu trang, kính che toàn bộ mắt và che chắn khi tiếp xúc trực tiếp với sương mù ô nhiễm. Nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý. Tăng cường vệ sinh nhà cửa, phòng ốc, đồ chơi, hệ thống chiếu sáng và làm thông thoáng môi trường sống. Hạn chế phơi thực phẩm và sử dụng nước mưa.

Đình Lý

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo