Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Cải thiện môi trường kinh doanh

Tình trạng trên nóng dưới lạnh vẫn còn

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham gia chủ tọa tại Hội nghị quốc tế “Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng”.

(Thanhuytphcm.vn) - Hội nghị quốc tế “Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng” với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã diễn ra sáng 15/3, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội). Tham dự Hội nghị còn có Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione và hơn 300 đại diện từ các bộ, ngành địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế…

Có Bộ đã về ga cuối, có Bộ vẫn chưa vào ga xuất phát

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung nhận định: Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong mấy năm gần đây đã đem lại kết quả đáng ghi nhận. Bốn năm gần đây, thứ hạng môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện, trong đó năm 2017 tăng tới 14 bậc. Tuy vậy, tốc độ triển khai thực hiện chưa đồng đều, nhiều chỉ tiêu chưa đạt, chưa thu hẹp được khoảng cách về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực”.

Nêu cụ thể kết quả rà soát, cải cách quy định về điều kiện kinh doanh của từng bộ ngành, địa phương, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận: Nếu ví các Bộ như những con tàu, thì có Bộ đã ở ga cuối, nhưng cũng có Bộ chưa vào vạch xuất phát. Trong số các Bộ được coi là đang làm tốt có Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng (Bộ Xây dựng không những bãi bỏ điều kiện kinh doanh mà còn bãi bỏ hẳn một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện nữa)… Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo đã thực hiện rà soát, đề xuất bãi bỏ điều kiện kinh doanh nhưng không gửi kèm theo nội dung rà soát và phương án bãi bỏ, đơn giản hoá. Bộ Giáo dục và Đào tạo còn chưa có báo cáo về rà soát, cải cách theo Nghị quyết của Chính phủ…

Ở các địa phương, nhìn chung hoạt động đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền được thực hiện tương đối thường xuyên; hầu hết địa phương đã áp dụng dịch vụ công trực tuyến; nhiều địa phương như Quảng Ninh, Thái Bình, Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội, Cần Thơ… đã có sáng kiến cải cách thủ tục hành chính. “Tình trạng trên nóng dưới lạnh vẫn còn, và kết quả nói trên có thể diễn dịch là Thủ tướng, Phó Thủ tướng nóng, nhưng một số Bộ trưởng còn lạnh, nhiều Chủ tịch tỉnh, thành phố còn chưa nóng. Một số hiệp hội doanh nghiệp cũng chưa thấy nóng, chưa chủ động, tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung để cải thiện môi trường kinh doanh”, TS Nguyễn Đình Cung chia sẻ.

Chú trọng ngành du lịch và logistic

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung, dự thảo Nghị quyết 19-2018 (đang được gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương) có nội dung duy trì mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế, cải cách điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành; bổ sung thêm mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistic và ngành du lịch để hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu ngành nói riêng, thúc đẩy tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Toàn cảnh Hội nghị Toàn cảnh Hội nghị

Một số chỉ tiêu cụ thể cần đạt trong năm 2018: hoàn thành mục tiêu bãi bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch khoảng 10 bậc (hiện ở thứ hạng 67); nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistic khoảng 10 bậc (hiện xếp thứ 64), giảm chi phí logistic xuống mức bằng khoảng 18% GDP (hiện hơn 20%).

Kiến nghị giải pháp, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đề xuất Chính phủ chỉ đạo, bắt buộc các Bộ, ngành, địa phương phải áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện cung ứng các dịch vụ hành chính công ở cấp độ 3 và 4. Tất cả các Bộ, ngành phải kết nối mọi thủ tục hành chính qua Cổng thông tin điện tử quốc gia. Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cần kết hợp với các hiệp hội doanh nghiệp thực hiện đánh giá, khảo sát thực tế, cung cấp bằng chứng và tham mưu cho Thủ tướng chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đầy đủ mục tiêu của Nghị quyết.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam:

Phải giải quyết được việc, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định, mặc dù Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao ở nhiều lĩnh vực, song thực tế vẫn còn có những chỉ số rất thấp, đòi hỏi chúng ta phải phấn đấu quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới, thậm chí, cần phải “nỗ lực phi thường”. Cụ thể, chỉ số phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp, năng suất lao động thấp hơn nhiều so với các quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, muốn tăng năng suất lao động cần phải cơ cấu lại kinh tế, đổi mới công nghệ, cơ cấu lại lao động, phát triển nhiều doanh nghiệp…

“Muốn phát triển nhiều doanh nghiệp thì phải cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng để đạt được mục tiêu này thì phải khắc phục cho được tình trạng “nóng lạnh” không đều. Không phải cứ ra văn bản giao việc là xong, mà quan trọng là phải thực sự giải quyết được việc, tháo gỡ được vướng mắc cho doanh nghiệp” ” - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần coi trọng, quyết liệt và theo dõi sát sao việc thực hiện Nghị quyết 19 để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng. Phó Thủ tướng cho biết dự thảo Nghị quyết 19-2018 đang được tích cực hoàn thiện và Chính phủ sẽ sớm xem xét, ban hành trong thời gian tới.

Ngọc Khánh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo