Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

TPHCM: Đến năm 2025 giá trị mua sắm trực tuyến trung bình 12 triệu đồng/hộ

TPHCM có kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021 - 2025

(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, TPHCM phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử đạt tối thiểu 10%. Tỷ lệ website (trang tin điện tử) tương thích thiết bị di động đạt tối thiểu 55%. Tỷ lệ website đạt cấp độ 4 (có giỏ hàng trực tuyến và thanh toán trực tuyến) đạt 5%. Tỷ lệ doanh nghiệp có website và xây dựng ứng dụng dùng trên thiết bị di động đạt 12%. Tỷ lệ kết nối internet để mua bán hàng hóa đạt 75%. Tỷ lệ người tiêu dùng lựa chọn thanh toán trực tuyến đạt 30%.

Đồng thời, giá trị mua sắm trực tuyến năm 2025 đạt trung bình 12.000.000 đồng/hộ, gấp 2,1 lần giá trị mua sắm năm 2019; đạt mức tăng trưởng bình quân 13,8%/năm. Mặt khác, tối thiểu 80% cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực kinh tế được bồi dưỡng kiến thức tổng quát về quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử. Bên cạnh đó, 100% công chức trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về thương mại điện tử được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành.

Để thực hiện các mục tiêu trên, TPHCM đề ra các nhóm giải pháp chủ yếu. Cụ thể, nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử như: Xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động thương mại điện tử; hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử; xây dựng và triển khai hiệu quả cơ chế phối hợp quản lý nhà nước về thương mại điện tử thông qua phát huy vai trò của Hội đồng phát triển ngành thương mại điện tử TPHCM; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử; rà soát tham mưu cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử để hỗ trợ, tạo điều kiện cho sự phát triển thương mại điện tử.

Nhóm giải pháp phát triển thương mại điện tử trong doanh nghiệp như: Xây dựng môi trường kinh doanh trực tuyến thuận lợi; truyền thông thương mại điện tử; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.

Nhóm giải pháp phát triển giao dịch thương mại điện tử trong cộng đồng như: Phát triển dịch vụ hoàn tất đơn hàng; phát triển dịch vụ thanh toán trực tuyến; xúc tiến thương mại.

Vân Minh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo