Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

TPHCM lấy ý kiến chuyên gia về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM thông tin về Đề án

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 4/3, Sở Văn hóa và Thể thao và Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đã tổ chức hội thảo góp ý cho Dự thảo Đề án “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa TPHCM giai đoạn 2020-2030”. Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý các lĩnh vực liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH).

TPHCM xác định phát triển 8 lĩnh vực CNVH

Theo ban soạn thảo Đề án, cùng với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay, ngành CNVH ở TPHCM có những đặc điểm chung và những đặc điểm mang tính đặc thù của một đô thị có quy mô dân số lớn nhất cả nước, kinh tế - xã hội có tốc độ phát triển nhanh và sôi động, nơi hội tụ và cửa ngõ giao lưu văn hóa vùng miền với các nước trên thế giới. Đồng thời, đây cũng là địa phương có nhiều giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa hiện đại, cơ sở hạ tầng thuận lợi, thị trường dịch vụ khá lớn... rất thuận lợi để CNVH phát triển và đóng góp thiết thực vào GRDP của TP. Phát triển các ngành CNVH cũng là một phương thức hữu hiệu để TP góp phần hiện đại hóa lĩnh vực văn hóa, dẫn đến sự ra đời các mô hình kinh doanh mới, các cấu trúc quản lý mới gắn với thị trường, gắn với sự năng động, sáng tạo, đổi mới, kích thích các tài năng và nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. CNVH đi sâu khai thác khía cạnh kinh tế, làm giảm sự phụ thuộc vào cơ chế bao cấp, đồng thời góp phần gia tăng sự bền vững của văn hóa...

Đề án đặt ra mục tiêu chung là phát triển các ngành CNVH Việt Nam trên địa bàn TPHCM trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân TP và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh, con người TPHCM; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa của TP. TPHCM xác định phát triển các ngành CNVH Việt Nam với tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TP bao gồm 8 ngành, lĩnh vực chủ yếu: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa và thời trang. Cụ thể, trong giai đoạn 2020-2025, phấn đấu doanh thu các ngành CNVH đóng góp khoảng 5% GRDP của TPHCM, giai đoạn 2025-2030 là 6% và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Phấn đấu phát triển TPHCM trở thành trung tâm văn hóa của cả nước và khu vực. Đầu tư các công trình văn hóa quy mô đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia và quốc tế...

Cụ thể cho từng lĩnh vực, Đề án đưa ra mức chỉ tiêu doanh thu như sau: Ngành điện ảnh đạt khoảng 5.420 tỉ đồng vào năm 2025 (phim Việt Nam đạt khoảng 30% doanh thu), đóng góp khoảng 0,37% GRDP; đạt khoảng 10.061 tỉ đồng (phim Việt Nam đạt khoảng 50% doanh thu), đóng góp khoảng 0,47% GRDP vào năm 2030; ngành nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 987 tỉ đồng vào năm 2025, đạt khoảng 1.708 tỉ đồng vào 2030; ngành mỹ thuật đạt khoảng 303 tỉ đồng vào năm 2025 và khoảng 550 tỉ đồng vào năm 2030; ngành nhiếp ảnh đạt khoảng 1.913 tỉ đồng năm 2025 và khoảng 3.311 tỉ đồng vào 2030; ngành triển lãm khoảng 6.077 tỉ đồng vào năm 2025 và khoảng 11.156 tỉ đồng vào 2030; ngành quảng cáo khoảng 33.010 tỉ đồng vào năm 2025 và khoảng 57.263 tỉ đồng vào năm 2030; ngành du lịch văn hóa đạt khoảng 4.246 tỉ đồng vào năm 2025 và khoảng 8.627 tỉ đồng vào 2030; ngành thời trang đạt khoảng 3.070 tỉ đồng vào năm 2025 và khoảng 5.505 tỉ đồng vào năm 2030.

Đầu tư cho văn hóa còn chưa xứng tầm

Khảo sát cho biết, hiện nay số lao động hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến CNVH rất lớn. Theo Cục Thống kê TPHCM, tính đến hết năm 2019, tổng nhân lực tham gia cho 8 ngành CNVH là trên 97.000 người, trong đó các ngành quảng cáo, triển lãm, du lịch văn hóa chiếm tỉ lệ đông nhất. Số liệu thống kê năm 2020 cho biết, TPHCM hiện có 17.670 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa; giá trị sản xuất các ngành CNVH từ năm 2010-2019 tại TPHCM là trên 35.000 tỉ đồng...

TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng mục tiêu của Đề án cần hướng đến một nền “văn hóa đỉnh cao” mà một TP lớn cần phải có TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng mục tiêu của Đề án cần hướng đến một nền “văn hóa đỉnh cao” mà một TP lớn cần phải có

Về cơ sở hạ tầng, mặc dù đây là phần cứng của CNVH nhưng hệ thống cơ sở vật chất các đơn vị nghệ thuật công lập đa phần được xây dựng từ những năm 1975 trở về trước, đang dần xuống cấp, không phát huy đầy đủ tác dụng, so với yêu cầu của phát triển CNVH thì vẫn còn một khoảng cách rất lớn. Nguồn tài chính đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn hạn chế nên cơ sở văn hóa, thiết chế văn hóa phát triển chưa đảm bảo, tương xứng với vai trò, vị trí là trung tâm văn hóa lớn của vùng và của cả nước. Việc trùng tu, tôn tạo, bảo quản các di tích chưa được quan tâm kịp thời. Việc đầu tư cho một số ngành CNVH là tiềm năng, thế mạnh chưa được chú trọng.

Đánh giá về Đề án, các chuyên gia cho rằng, Đề án đã trình bày đầy đủ những nội dung liên quan đến Chiến lược phát triển CNVH ở TPHCM. Bố cục logic, chặt chẽ, nêu rõ quan điểm, mục tiêu chung, giới hạn ngành và thời gian thực hiện. Đề án đưa ra 8 ngành CNVH, đây là những ngành có lợi thế trong việc thể hiện bản sắc và đặc điểm của TPHCM, cũng là những ngành có đóng góp nhiều cho sự phát triển văn hóa và kinh tế của TP...

Góp ý cho Đề án, nhiều đại biểu cho rằng Đề án cần có những khảo sát về thực trạng mang tính toàn diện và cụ thể cho từng lĩnh vực để trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp mang tính thực tiễn, hiệu quả hơn. Đề án cần chú trọng phát triển đồng bộ từ yếu tố con người đến cơ sở hạ tầng và đặc biệt là các sản phẩm văn hóa. TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TPHCM cho rằng mục tiêu của Đề án cần hướng đến một nền “văn hóa đỉnh cao” mà một TP lớn cần phải có. Đó là đỉnh cao về chất lượng nghệ thuật, cơ sở vật chất và trình độ nguồn nhân lực. Đề án cần chú trọng các loại hình văn hóa điển hình, đặc trưng mang bản sắc của TPHCM và Nam bộ, như Đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương,…

Theo TS Mai Mỹ Duyên, lực cản lớn nhất hiện nay để phát triển CNVH chính là yếu tố con người. “Quan trọng nhất hiện nay là đội ngũ quản lý, đội ngũ kỹ thuật, vấn đề đào tạo các ngành CNVH hiện có theo kịp không? Bên cạnh đó còn cần phải quan tâm đến những rào cản về cơ chế chính sách... Theo tôi, Đề án cần có bước khảo sát thêm về lực lượng, đội ngũ trình diễn để biết nguồn nhân lực này hiện có được bao nhiêu để có sự điều chỉnh lại, đầu tư thêm, cần khai thác nguồn lực một cách hiệu quả”, TS Mai Mỹ Duyên góp ý.

Theo các đại biểu, Đề án cần phân tích kỹ hơn những hạn chế chủ quan trong quản lý của các cơ quan chức năng và hoạt động của các hội nghề nghiệp, đây là yếu tố tác động đến sự phát triển của các ngành CNVH. Bên cạnh đó, cần sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành CNVH với nhau, nếu đầu tư riêng lẻ sẽ hạn chế sự phát triển. Các chuyên gia cũng lưu ý Đề án không nên đặt nặng yếu tố doanh thu và các chỉ tiêu kinh tế vì đầu tư cho văn hóa đôi khi không thể thấy ngay lợi nhuận kinh tế trước mắt mà cần có sự đầu tư đồng bộ, lâu dài.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết ghi nhận tất cả các ý kiến góp ý, trên cơ sở đó sẽ hoàn chỉnh Đề án, trình UBND TP thông qua, tiến tới thành lập Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa TPHCM trong thời gian tới.

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo