Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

TPHCM sẽ tính toán kỹ việc đưa xe buýt mini vào hoạt động

Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, việc đưa xe buýt mini vào hoạt động giúp người dân dễ dàng tiếp cận với loại hình giao thông công cộng

(Thanhuytphcm.vn) - Liên quan đến đề án nghiên cứu đưa xe buýt mini vào hoạt động ở các tuyến đường nhỏ đưa đón người dân đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng (GTCC) trên địa bàn TPHCM, ngày 18/9, PGS.TS Phạm Xuân Mai, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, đại diện nhóm nghiên cứu thuộc Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật TPHCM cho biết: Đây là đề án nhóm đang làm và chuẩn bị trình UBND TP. Trong quá trình nghiên cứu đề án, nhóm nghiên cứu lấy ý kiến dư luận để có những điều chỉnh cho phù hợp.

Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, việc đưa xe buýt mini vào hoạt động ở các khu vực đường nhỏ không phải ở TPHCM mới làm ban đầu mà lấy ý tưởng từ TP Hồng Kông (TQ), Thái Lan, Philippines. Lý do làm xe buýt mini ở TPHCM là vì hiện nay hệ thống GTCC của TP năm 2017 đạt 9,8% nhu cầu, năm 2018 dự kiến tăng lên 10,8%. Nếu mỗi năm tăng 1% thì khó đạt tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện GTCC 30% - 40% mà TP đặt ra nhằm giúp giảm ùn tắc giao thông. Do đó, để giảm ùn tắc giao thông, Sở Giao thông Vận tải TP có đề án phát triển vận tải hành khách công cộng, kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân. Trong đề án này có một nhánh nhỏ nhóm nghiên cứu đề xuất là để tăng cường năng lực GTCC thì phải làm sao để người dân tiếp cận với GTCC.

Bởi lẽ, ở TP, nhóm nghiên cứu đã khảo sát, điều tra có 85% dân số TP (trên tổng số 10 triệu dân) sống trong các khu vực dân cư đường nhỏ 3m - 6m, tiếp cận với xe buýt rất khó khăn. Cũng qua khảo sát, có 86% người dân muốn làm sao được gần trạm xe buýt, hệ thống xe buýt trong quãng đường 200m đi bộ. Như vậy, để giải quyết nhu cầu này của người dân, có thể đưa một loại xe buýt cỡ nhỏ tương tự như xe lam trước đây vào hoạt động. Đây là loại xe 4 bánh, 12 chỗ, chiếm diện tích mặt đường 1,5m2 và khi chạy trong các đường nhỏ chạy 1 chiều theo lộ trình nhất định, không giao cắt với đường lớn mà chỉ trung chuyển khách trong các tuyến đường nhỏ ra các trạm xe buýt ở đường lớn để đưa người dân đi xe buýt nhằm tạo sự liên hoàn đảm bảo người dân sẵn sàng đi xe buýt.

Liên quan ý kiến của dư luận về việc đưa xe buýt mini vào hoạt động sẽ gây tắc đường, PGS.TS Phạm Xuân Mai cho rằng: Một xe buýt nhỏ chở 12 người thay cho 12 xe máy chiếm 18m2 khi chạy trên đường, trong khi xe buýt nhỏ chỉ chiếm 1,5m2 - 1,8m2 và chạy một chiều nên không gây tắc đường.

Thời gian qua, TPHCM đã đầu tư xe buýt loại nhỏ thay cho xe buýt loại lớn nhằm giảm diện tích chiếm dụng mặt đường khi vận chuyển hành khách trên đường Thời gian qua, TPHCM đã đầu tư xe buýt loại nhỏ thay cho xe buýt loại lớn nhằm giảm diện tích chiếm dụng mặt đường khi vận chuyển hành khách trên đường

PGS.TS Phạm Xuân Mai cũng thông tin thêm: Hệ thống xe buýt mini mà nhóm nghiên cứu dự kiến làm là xe 4 bánh kiểu xe lam, người dân lên xuống dễ dàng ở phía sau và chạy liên tục trong hẻm với 5 phút/chuyến, không có trạm dừng, người dân có nhu cầu đi lại chỉ cần vẫy tay là tài xế dừng đón; vé cho xe buýt mini là vé liên thông. Tỷ lệ đầu tư cho loại xe buýt mini này khá thấp khoảng 500 - 600 tỷ đồng cho khoảng 3.000 xe buýt mini.

Còn Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết thêm: Mục tiêu TPHCM đặt ra đến cuối năm 2020, thị phần cho vận tải hành khách công cộng TP là 15% - 20%, nhưng tính đến tháng 6/2018 chỉ đạt 9,6%. Vì vậy, để đạt mục tiêu đặt ra, ngoài hệ thống xe buýt hiện nay cải thiện chất lượng phục vụ sẽ mở thêm tuyến mới, loại hình mới và cuối năm 2020 phải có một số loại hình mới trong đó có tàu điện ngầm, tuyến xe buýt xanh dọc tuyến đường Võ Văn Kiệt, giao thông đường thủy. Tuy nhiên, khi tính toán đặc thù của TP là đô thị cũ, đường nhỏ nên loại hình xe buýt phải tính toán lại, trong đó việc kết nối một số khu dân cư với GTCC trong quãng đường dưới 500m hiện nay chưa đảm bảo.

Vì vậy, trong đề án phát triển vận tải hành khách công cộng, kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân, có tính toán việc phát triển thêm loại hình mới, luồng tuyến mới, cải thiện chất lượng dịch vụ; trong đó đề xuất của nhóm nghiên cứu thuộc Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật TPHCM là đưa xe buýt mini vào hoạt động ở các tuyến đường nhỏ. Tuy nhiên, đây mới là đề xuất sẽ được xem xét trong tổng thể và chắc chắn rằng, để hoạt động với tên gọi xe buýt mini thì phải hoạt động như xe buýt thông thường. Về vấn đề này, Sở Giao thông Vận tải TP có tham khảo Bộ Giao thông Vận tải là khi đi vào hoạt động lộ trình phải đảm, vị trí điểm dừng, nhà chờ phải có.

Đình Lý

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo