Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

TPHCM sẽ trình Bộ Chính trị 3 đề án phát triển kinh tế-xã hội thành phố

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 29/7, tại Hà Nội, Thành ủy, UBND TPHCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến các cơ quan của Quốc hội góp ý cho 3 đề án của TPHCM. Hội nghị do các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì. Tham dự có lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các lãnh đạo UBND TP, lãnh đạo các sở ban ngành của TPHCM.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, 3 đề án được chuẩn bị theo yêu cầu của Bộ Chính trị. Trong tháng 8, TPHCM sẽ báo cáo Bộ Chính trị. Thành ủy TPHCM đã làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, có tiếp thu bước đầu, sẽ lấy ý kiến các cơ quan Quốc hội, bộ ngành, Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ, sau đó hoàn thiện để tháng 8 trình Bộ Chính trị.

Đề án đầu tiên là đề án “Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030” để tăng thu ngân sách nộp về Trung ương và tăng thu ngân sách để lại cho TP, tạo tiền đề để TP phát triển nhanh, bền vững. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, từ lâu, TPHCM với sự nỗ lực của mình, sự hỗ trợ của Trung ương, Quốc hội,… TP đã luôn là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, tăng trưởng liên tục, giữ được tỷ lệ đóng góp ngân sách Trung ương. Nhưng TP còn thiếu vượt trội, trong đó có nguyên nhân là do cách quản lý chưa tốt của TP, phát huy thế mạnh của con người, hợp tác phát triển còn hạn chế, đầu tư chưa cao. TP vẫn cần có những đột phá để phát triển hơn, nhất là về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, thu hút các tập đoàn nước ngoài lớn…

“Thời gian qua, TPHCM luôn day dứt một vấn đề: nếu tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP phát triển bền vững thì phải thế nào. Nếu tỷ lệ để lại tăng mà TPHCM đóng góp cho Trung ương tăng thì mới là bền vững” - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh; đồng thời phân tích: 1 đồng vốn để lại cho TP thì tạo ra 10-14 lần cho đầu tư xã hội, số này sẽ rơi vào nền kinh tế, vì năng suất lao động của TPHCM cao gấp 2,7-,2,9 lần cả nước. Lao động TPHCM tăng nhanh, sau 5 năm sẽ tăng 0,5 triệu lao động, nên 1 đồng để lại sẽ tạo GDP tăng cao hơn, thu ngân sách lớn hơn, tức là TP tăng mà Trung ương cũng tăng, để lại là để tăng lên. Do đó, đề án kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM từ 18% hiện tại lên 23%, trở lại chu kỳ điều tiết ngân sách cũ. Nguyên tắc là không áp dụng đại trà mà chỉ áp dụng nơi phát triển kinh tế cao.

Đề án thứ hai là về tổ chức lại HĐND, TPHCM xây dựng đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM. TPHCM xin không làm thí điểm (như Hà Nội, Đà Nẵng) mà làm theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 mới thông qua. TP kiến nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ xem xét thông qua đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM từ 1/7/2021. Việc này TPHCM đã làm từ 7 năm trước khi thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên diện rộng, kết quả phát huy dân chủ rất tốt, giao MTTQ chủ trì để giám sát hoạt động của UBND.

Hội nghị lấy ý kiến các cơ quan của Quốc hội góp ý cho 3 đề án của TPHCM ngày 29/7. Hội nghị lấy ý kiến các cơ quan của Quốc hội góp ý cho 3 đề án của TPHCM ngày 29/7.

Với đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM trên cơ sở sắp xếp quận 2, 9 và Thủ Đức theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, sẽ hình thành vùng động lực cho TP phát triển, hình thành khu đô thị sáng tạo của TPHCM. Đề án thành lập TP Thủ Đức với diện tích lớn, hơn cả 13 quận khác cộng lại, dân số hơn 1 triệu, dự báo trước 2030 là hơn 2 triệu, đóng góp 1/3 kinh tế cho TPHCM. TP Thủ Đức được thành lập dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã được đầu tư phát triển đáp ứng tiêu chí của một đô thị, phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên và nhu cầu phát triển hiện nay, vì vậy TPHCM kiến nghị Trung ương chấp thuận cho TPHCM sắp xếp 3 quận trở thành TP Thủ Đức là một đơn vị hành chính cấp huyện thuộc TPHCM. Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019. Mô hình tổ chức chính quyền ở cấp huyện của TP Thủ Đức gồm có HĐND và  UBND; ở cấp xã chỉ có UBND phường, không tổ chức HĐND phường.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, 3 quận phía Đông TPHCM được lựa chọn để phát triển thành hạt nhân sáng tạo, hình thành một vùng tăng trưởng mới, trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế, với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo. Do đó, việc hình thành một đơn vị hành chính thống nhất, quy mô lớn như vậy nhằm đảm bảo sự tương tác liên thông và tận dụng tối đa lợi thế của vùng, tạo động lực phát triển kinh tế cho TPHCM, liên kết, hỗ trợ các đô thị trong vùng và cả nước nói chung cùng phát triển là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo