Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

TPHCM tăng kiểm tra giám sát nguồn thịt lợn vận chuyển vào địa bàn

Rắc vôi bột tiêu độc, khử trùng chuồng trại, ngăn chặn dịch bệnh. (Ảnh: TTXVN)

Mỗi xe vận chuyển thịt lợn đi qua trạm đều được lực lượng cảnh sát giao thông yêu cầu dừng lại, kiểm tra đầy đủ các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chứng nhận kiểm dịch…

Nhằm ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi, rạng sáng 8/6, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra công tác giám sát nguồn thịt lợn vận chuyển vào Thành phố tại các chốt kiểm dịch động vật và các chợ đầu mối trên địa bàn.

Tại Trạm kiểm dịch động vật Hóc Môn - chốt chặn kiểm soát nguồn thịt lợn đưa về Thành phố Hồ Chí Minh từ tỉnh Tây Ninh, mỗi xe vận chuyển thịt lợn đi qua trạm đều được lực lượng cảnh sát giao thông yêu cầu dừng lại, kiểm tra đầy đủ các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chứng nhận kiểm dịch…

Ngoài ra, chốt kiểm dịch còn kiểm tra niêm phong hàng hóa và thực hiện tiêu độc khử trùng trước khi về thành phố. Trong trường hợp nghi ngờ thịt lợn không đảm bảo an toàn, lực lượng chức năng sẽ tạm giữ hàng hóa và tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm.

Làm việc với Trạm kiểm dịch động vật Hóc Môn, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu đơn vị này tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt các phương tiện vận chuyển thịt lợn đi qua địa bàn, đảm bảo thịt lợn được vận chuyển về Thành phố an toàn, không mang mầm bệnh.

Còn tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, nơi bình quân mỗi đêm có khoảng 5.000 con lợn về chợ, sau đó phân phối đến toàn bộ các chợ, siêu thị thì công tác tuyên truyền vận động tiểu thương được Ban Quản lý chợ triển khai thường xuyên.

Báo cáo với Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm, ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết đơn vị này đã phối hợp với Đội 9 của Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố liên tục kiểm tra chất lượng thịt trước khi vào chợ.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý chợ cũng thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường, vệ sinh trang thiết bị phục vụ công tác giết mổ đồng thời tăng gấp đôi tần suất tiêu độc khử trùng toàn bộ chợ nhằm hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan.

“Hiện chúng tôi vẫn chưa phát hiện tiểu thương nào kinh doanh, buôn bán thịt lợn liên quan đến dịch tả lợn châu Phi nhưng nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm để làm gương," ông Lê Văn Tiển cho hay.

Cũng theo ông Tiển, kể từ khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, số lượng lợn về chợ bắt đầu giảm, có khi chỉ còn khoảng 4.000 con mỗi đêm. Tuy nhiên, hiện sức mua tương đối ổn định nên số lượng lợn về chợ cũng đã bắt đầu tăng lên từ 5.000-5.200 con mỗi đêm.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hiện 58 tỉnh, thành trong cả nước đã phát hiện dịch tả lợn châu Phi nhưng Thành phố Hồ Chí Minh - địa phương tiêu thụ thịt lợn lớn nhất cả nước vẫn chưa phát hiện trường hợp nào mắc dịch tả lợn, điều này chứng tỏ công tác giám sát nguồn thịt lợn vào Thành phố đang được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả.

Để có được điều này, Thành phố Hồ Chí Minh đã ráo riết triển khai nhiều biện pháp ứng phó nhằm ngăn chặn nguồn thịt lợn mang mầm dịch đi vào Thành phố. Cụ thể, Thành phố đã lập thêm tám chốt kiểm dịch ở các cửa ngõ tiếp giáp với các tỉnh, thành như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An. Các điểm chốt chặn này hoạt động thường xuyên, liên tục 24/24 giờ mỗi ngày và đến nay chưa phát hiện trường hợp vận chuyển thịt lợn mang mầm bệnh dịch tả vào Thành phố tiêu thụ.

Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là việc vận chuyển thịt lợn qua đường tiểu ngạch và giết mổ lậu bởi không ai có thể kiểm soát được chất lượng của nguồn thịt này.

“Hiện nay nguồn thịt lợn cung cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh vẫn ổn định và ưu tiên của Thành phố là bảo vệ sức khỏe của người dân cũng như bảo vệ đàn lợn của Thành phố khỏi dịch tả lợn châu Phi. Thành phố đã lên phương án nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia khác cũng như cấp đông dự trữ thịt lợn để phục vụ người dân trong trường hợp có dịch," bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định.

Cùng với việc lập kiểm tra các điểm chốt chặn ở cửa ngõ Thành phố, các chợ đầu mối, trong những ngày tới Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Thành phố sẽ kiểm tra, giám sát tại các cơ sở giết mổ, pha lóc trên địa bàn nhằm đảm bảo cung ứng nguồn thịt lợn an toàn, không dịch bệnh cho người dân.

Theo TTXVN

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo