Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

TPHCM tập trung nhiều giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội

Toàn cảnh buổi làm việc

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 17/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM làm việc với UBND TP về tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, thu chi ngân sách 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm và Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Phan Nguyễn Như Khuê đồng chủ trì hội nghị.

Phấn đấu đạt kết quả cao nhất

Báo cáo với đoàn ĐBQH TP, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Sử Ngọc Anh cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2017, TP đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp,… Qua đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,97% cao hơn cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,77%); chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 57,2%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 25,1%; khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,7% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 17,0%. Thu ngân sách thực hiện có hiệu quả, ước 9 tháng đạt 243.584 tỷ đồng, đạt 70,02% dự toán, tăng 10,71% so với cùng kỳ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Sử Ngọc Anh cũng nhìn nhận trong 9 tháng qua, TP cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn cần tập trung nhiều giải pháp để khắc phục, hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội như khả năng hoàn thành 2 chỉ tiêu chủ yếu (tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) đạt 8,4% -8,7% và thu ngân sách đạt 100% dự toán) gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ điều tiết ngân sách giảm (từ 23% giảm còn 18%), nguồn vốn các dự án ODA được duyệt theo kế hoạch chậm được phân bổ, một số cơ chế chính sách, thủ tục chưa được xem xét giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, TP phải nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất.

Ngoài ra, tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng còn phức tạp (xây dựng không phép tăng 35,6%, công trình sai phép tăng 15,1% so với cùng kỳ); việc quản lý, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là các chung cư được đầu tư xây dựng theo Luật Nhà ở chưa tốt, để xảy ra tình trạng tranh chấp, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư, ban quản trị và cư dân; tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên, xảy ra vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường hướng tâm của TP, các trục ra vào các cảng hàng không, cảng biển; tình trạng tái lấn chiếm lòng lề đường gây mất trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị còn phức tạp…

Kiến nghị ứng vốn cho tuyến metro số 1

Báo cáo về tiến độ thực hiện tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), Trưởng ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP Lê Nguyễn Minh Quang cho biết, toàn tuyến có tổng chiều dài 19,7km với 14 nhà ga gồm 3 ga ngầm, 11 ga trên cao, với tổng mức đầu tư 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) do JICA tài trợ, được khởi công tháng 8/2012, dự kiến hoàn thành, khai thác vào năm 2020. Đến nay, dự án đã hoàn thành được 43%.

Tuy nhiên, theo Trưởng ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP Lê Nguyễn Minh Quang, nguồn vốn thực hiện dự án đang khó khăn. Dù TPHCM thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý thực hiện dự án đúng quy định. Cụ thể, dự án ban đầu được phê duyệt từ hơn 17.000 tỷ đồng vào năm 2007 nhưng đến tháng 9/2011, UBND TP đã ra quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư dự án này, con số là 47.000 tỷ đồng. Theo Nghị quyết 49, dự án có vốn từ 35.000 tỷ đồng phải trình Quốc hội. Do đó, tháng 5/2011, TP đã có một văn bản gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư kiến nghị báo cáo Quốc hội về công tác điều chỉnh vốn với dự án.

Trưởng ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP Lê Nguyễn Minh Quang cho biết thêm, hàng năm UBND TP đều có báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Giao thông Vận tải  thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo QH về dự án. “Chúng tôi khẳng định rằng đây là dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng giao thông, hết sức quan trọng với sự phát triển của TP. TP đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị” – ông Quang nói.

Trưởng ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP Lê Nguyễn Minh Quang kiến nghị đoàn ĐBQH TP đề nghị Thủ tướng Chính phủ trình QH xem xét, quyết định về tổng mức đầu tư dự án này tại kỳ họp thứ 4 QH khoá XIV. Về giải pháp lâu dài, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải ngân vốn ODA thực hiện theo tiến độ dự án và theo hiệp định vay (điểm b, khoản 2, Điều 76 Luật Đầu tư công năm 2014). Về giải pháp trước mắt, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Bộ Tài chính thực hiện ngay ứng trước kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH TP làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tổng mức đầu tư và phân bổ vốn ODA nguồn ngân sách Trung ương của dự án tại kỳ họp thứ 4, QH khoá XIV.

Tại buổi làm việc, các ĐBQH cho rằng nếu chúng ta muốn Quốc hội có nghị quyết riêng phân bổ nguồn vốn trung hạn cho dự án metro số 1 thì Đoàn ĐHQH cần có kiến nghị tập thể bằng văn bản chứ không phải từng đại biểu kiến nghị riêng lẻ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm đề nghị các sở, ngành gởi các văn bản đến đoàn ĐBQH TP; Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP cần bổ sung thông tin thêm về dự án đường sắt đô thị Metro số 1 cho các ĐBQH trong thời gian sớm nhất.

Kết luận tai buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Phan Nguyễn Như Khuê ghi nhận những kiến nghị của UBND TP; đồng thời đề xuất UBND TP mời các ĐBQH tham gia dự họp với các sở, ngành của TP để có thể nắm rõ các chủ trương của TP. Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Phan Nguyễn Như Khuê cũng đề nghị UBND TP định kỳ cung cấp thông tin những vấn đề liên quan đến giáo dục, y tế, an toàn thực phẩm, chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh và kênh Ba Bò… để các ĐBQH giám sát.

Long Hồ

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo