Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tránh chồng lấn, làm thay nhiệm vụ của lực lượng công an chính quy tại cơ sở

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 48, sáng 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở.

Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018. Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và thi hành các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; cũng như bảo đảm sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác, giảm chi ngân sách, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý minh bạch trong việc xác định, phân định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thực hiện và giới hạn, phạm vi, cách thức thực hiện để tránh việc lạm dụng, tùy tiện, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Báo cáo của Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho biết, về cơ bản các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng; phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các quy định của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, còn có những ý kiến khác nhau như các quy định về tuyển chọn, thành lập, công nhận chức danh; nơi làm việc, trang bị, trang phục, phù hiệu, giấy chứng nhận và các chế độ, chính sách khác như trong dự thảo Luật có thể dẫn đến việc “chuyên nghiệp hóa”, “chính quy hóa” lực lượng này, làm phát sinh kinh phí, trùng dẫm với một số quy định của pháp luật có liên quan. Có ý kiến đề nghị đánh giá cụ thể hơn về dự kiến tổng số người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở sau khi thành lập; nguồn kinh phí cần thiết để đảm bảo cho lực lượng này hoạt động, làm căn cứ trình Quốc hội cho ý kiến. Do đó đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp tục rà soát kỹ từng nội dung dự thảo Luật nhằm thể chế đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan và bảo đảm tính khả thi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Đặt ra hàng loạt câu hỏi cho ban soạn thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, ba lực lượng thuộc đối tượng điều chỉnh của dự án luật này gồm bảo vệ dân phố, dân phòng và Công an xã, thị trấn bán chuyên trách trước đây. Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đồng chí cho rằng “thực chất đều là nhiệm vụ của công an xã”. Do vậy, ban soạn thảo cần xác định rõ tính chất phối hợp, hỗ trợ của lực lượng này để tránh chồng lấn, làm thay nhiệm vụ của lực lượng công an chính quy tại cơ sở. Mặt khác, cần xác định rõ hơn phạm vi, mức độ, phương thức mà lực lượng này tham gia, hỗ trợ phối hợp với công an xã trong việc thực hiện bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở (với tính chất là cơ quan tự quản, tự nguyện của quần chúng) để nâng cao hiệu quả.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo